Nợ xấu gia tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024, số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tiếp tục tăng so với quý I/2024 và cuối năm 2023.

Trước đó, nợ xấu vào cuối quý IV/2023 từng giảm khoảng 15.000 tỷ đồng so với quý liền trước.

Sau 6 tháng đầu năm nay, số dư nợ xấu các ngân hàng nói trên đã tăng thêm tổng cộng 46.719 tỷ đồng hay 20,8% so với cuối năm 2024. Trước đó, theo báo cáo tài chính quý I/2024 của các ngân hàng, nợ xấu đã tăng thêm 14,4% so với cuối năm ngoái.

Có 27/29 ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu đi lên, trong đó dẫn đầu là 2 ngân hàng thuốc nhóm quốc doanh.

Ở chiều ngược lại, có 2 ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu giảm sau nửa đầu năm là SHB và PGBank. Trong đó, số dư nợ xấu của SHB giảm 362 tỷ đồng, tương đương 2,7%, tiếp nối xu hướng giảm đã ghi nhận trong quý đầu năm. Nợ xấu của PGBank cũng giảm 50 tỷ đồng, tương đương 5%.

Nợ xấu có xu hướng tăng nhưng sau 2 quý đầu năm, phần lớn ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm.

Tính chung toàn ngành, tỷ lệ này giảm 14,2%, từ mức 98,9% cuối năm ngoái xuống 84,7% vào cuối quý II/2024. Theo số liệu thống kê, có 23/29 ngân hàng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm trong 6 tháng qua.

Có 6 nhà băng duy trì được mức bao phủ trên ngưỡng 100% là Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, MB, Techcombank.

Bac A Bank đã rời nhóm này trong bối cảnh số dư nợ xấu tăng tới 65,3% luỹ kế 6 tháng đầu năm. 

Vietcombank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đạt 212,1%, giảm thêm 18,2 điểm % so với cuối năm ngoái. Năm 2022, tỷ lệ bao phủ của Vietcombank từng ở trên mốc 300%. Mặc dù vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank vẫn đang gấp 2,5 lần trung bình ngành. 

Xét về mức tăng giảm, VietinBank là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm sâu nhất, từ 167,2% xuống còn 113,8%, nguyên nhân do số dư nợ xấu của ngân hàng đã tăng hơn 48% trong 6 tháng đầu năm. Cuối năm 2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ông lớn cổ phần này từng ở mức 188%, top 5 toàn ngành.

Bên cạnh đó, cũng có 6 ngân hàng cổ phần cải thiện được tỷ lệ bao phủ nợ xấu bao gồm SHB, KienlongBank, Sacombank, TPBank, MSB và PGBank, tuy nhiên mức tăng không quá lớn đều dưới ngưỡng 8%.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho thấy ngân hàng có sự chuẩn bị tốt cho rủi ro, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Vì vậy, mọi ngân hàng đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình.

Đâu là giải pháp cho các ngân hàng cải thiện?

Dự báo về chất lượng tài sản ngân hàng, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nợ xấu có thể đã đạt đỉnh vào quý II năm nay, áp lực nợ xấu có thể vẫn còn nhưng kỳ vọng rằng trong quý III và quý IV có thể hạ nhiệt trở lại.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam 

Ông kỳ vọng bức tranh nợ xấu sẽ có tín hiệu khả quan từ hai quý cuối năm nhờ hoạt động kinh tế khởi sắc và thị trường bất động sản phục hồi dần, kỳ vọng tính pháp lý của các dự án bắt đầu sẽ tháo gỡ dần và từ đó giảm áp lực nợ xấu, cũng như chính sách tín dụng thận trọng hơn. Đặc biệt nợ xấu hiện nay phần lớn thuộc về nhóm bất động sản có thể sẽ hạ nhiệt bớt đi trong giai đoạn tới đây.

Các yếu tố hỗ trợ được kể đến như vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Từ ngày 1/8 theo các quy định mới, ngân hàng sẽ được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 cũng cho phép mở rộng đối tượng và phạm vi mua bán nợ xấu, bao gồm cả việc mua nợ từ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều này sẽ giúp xử lý những khoản nợ xấu đang vay tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng trong và ngoài nước, vốn chưa được xử lý triệt để trước đây.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng chỉ đạo các ngân hàng triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ và xử lý nợ xấu theo chương trình giai đoạn 2021-2025, tiếp tục kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng và giám sát chặt chẽ các hoạt động cấp tín dụng, tình hình xử lý nợ xấu.

Đồng thời, NHNN vẫn đang kiểm soát hoạt động cấp tín dụng cho các ngân hàng thông qua đánh giá xếp hạng chỉ số, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, trích lập đầy đủ, phòng ngừa rủi ro cao được ưu tiên cấp tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Theo ông Minh, với sự kiểm soát chặt chẽ này, sẽ hạn chế trường hợp ngân hàng đang có rủi ro, nhưng lại được cấp tín dụng quá nhiều, điều này làm khả năng phát sinh nợ xấu tăng lên, gây ra áp lực cho hệ thống về sau.

Với những quy định mới trong Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 cùng các luật mới được thông qua, việc xử lý nợ xấu kỳ vọng sẽ trở nên thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ hiệu quả. Đồng thời, những quy định này cũng giúp tạo ra sự minh bạch và niềm tin cho thị trường.

Còn theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. NHNN sẽ đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

 
Nguyễn Điểm