Đáng chú ý, KTNN kiến nghị thu hồi khoản vốn vay nước ngoài 5.338 tỷ đồng đã giao cho 4 dự án đường cao tốc của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không đúng các nghị quyết, xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 4 dự án của VEC từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp.

Nguyên nhân là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) giao kế hoạch vốn ngoài nước cho 4 dự án đường cao tốc của VEC trị giá 5.338 tỉ đồng không đúng với Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 và Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội.

Cụ thể, đó là dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được giao 2.600 tỉ đồng; dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được giao 498,5 tỉ đồng (kế hoạch vốn giao đầu năm là 590 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh giảm); dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai 133,5 tỉ đồng; dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là 2.105,5 tỉ đồng.

Năm 2018, Bộ KH&ĐT tiếp tục giao kế hoạch vốn cho VEC 2.363,9 tỉ đồng, trong đó cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 1.076,2 tỉ đồng; cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây 74,7 tỉ đồng; cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1) 29,6 tỉ đồng; cao tốc Bến Lức - Long Thành 1.183,5 tỉ đồng.

Với tồn tại này, KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT trình cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 4 dự án của VEC từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp; trong khi chưa được chấp thuận, tiến hành các thủ tục điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của 4 dự án VEC 22.010 tỉ đồng; thu hồi kế hoạch vốn đã giao cho 4 dự án VEC năm 2016 là 3.866 tỉ đồng, năm 2017 là 5.338 tỉ đồng và năm 2018 là 2.319 tỉ đồng.

KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với việc xác định cơ cấu nguồn vốn ngân sách Trung ương trong tổng mức đầu tư vượt tỷ lệ hỗ trợ quy định; không ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thành đăng ký kế hoạch vốn; chưa ưu tiên bố trí để thu hồi vốn ứng trước; giao kế hoạch vốn chậm, chưa phù hợp với quy định tại Khoản 6, Điều 66 Luật Đầu tư công.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiến hành đánh giá sơ kết các chương trình mục tiêu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh một số nội dung, phạm vi tại các quyết định phê duyệt chương trình nhằm phù hợp, đồng bộ với các nguyên tắc, tiêu chí đã được quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí đủ nguồn vốn đã được phê duyệt tại Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ (hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đang bố trí thiếu 130.567,6 tỷ đồng vốn trong nước cho 21 chương trình mục tiêu).

Chịu trách nhiệm tổng hợp, quản lý và theo dõi việc tổng hợp số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản hàng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định.

Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho rằng những tồn tại, hạn chế trong đầu tư công vẫn tiếp diễn sau khi thực hiện Luật Đầu tư công, nguyên nhân trước hết là chưa thực hiện nghiêm các quy định của luật. Báo cáo của KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại trong giao kế hoạch vốn như: Giao nhiều lần trong năm, bố trí vốn chưa đúng thứ tự ưu tiên, vượt định mức hỗ trợ, có những trường hợp cá biệt chưa xác định rõ nguồn, rõ khả năng cân đối đã bố trí, phân bổ vốn.

Trần Quý