Thiệt hại hơn 14.000 tỷ đồng do tai nạn lao động

Theo số liệu từ 62/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2022, trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động, tăng 1.214 vụ, tương ứng 18,66% so năm 2021. Số người bị nạn do tai nạn lao động là 7.923 người, tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so năm 2021.

Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2022 (gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động) là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai.

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, trong năm 2022, đa số các vụ tai nạn lao động đã được khai báo và điều tra đúng quy định. Tuy nhiên, một số địa phương còn chậm gửi biên bản điều tra về Bộ LĐTB&XH. Số biên bản nhận được chỉ chiếm 27,8% tổng số vụ tai nạn lao động chết người.

Cũng theo báo cáo số liệu sơ bộ của các địa phương gửi về Bộ LĐTB&XH, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2022 đều tăng, bao gồm: Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là trên 14.117 tỷ đồng (tăng khoảng 10.163 tỷ đồng so với năm 2021). Thiệt hại về tài sản trên 268 tỷ đồng (tăng khoảng 250 tỷ đồng so với năm 2021); tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là trên 143.468 ngày (tăng khoảng 27.091 ngày so với năm 2021).

Lý giải nguyên nhân số vụ tai nạn lao động năm 2022 tăng cao so với năm 2021, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH, cho biết sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 vào năm 2022, sản xuất phục hồi mạnh mẽ so với năm 2021 nên số tai nạn lao động cũng gia tăng.

Theo ông Thắng, sau đại dịch Covid-19, một số trang thiết bị, máy móc, sau một thời gian ngừng trệ, khi quay lại sản xuất cần bảo dưỡng. Nếu không vận hành bảo trì kịp dễ xảy ra tai nạn lao động đáng tiếc. Còn với nhiều người lao động, sau một thời gian quay lại làm việc, sức khỏe của họ cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bên cạnh đó, việc đào tạo, huấn luyện an toàn lao động bị mai một trong thời gian đại dịch, nên khi mở lại sản xuất không đáp ứng kịp thời, để khi người lao động quay trở lại làm việc thì dễ xảy ra tai nạn lao động. Thống kê năm 2022 cho thấy, tai nạn lao động chết người giảm, nhưng số vụ tai nạn lao động chung lại tăng.

Tăng cường thanh tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động

Năm 2023, với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”, tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động sẽ được tổ chức từ ngày 1-31/5/2023 trên toàn quốc.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết trong thời gian phát động, ban chỉ đạo sẽ tiến hành các chuỗi hoạt động như: Thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức hoạt động đối thoại, hội nghị, hội thảo, hội thi về an toàn, vệ sinh lao động; hoạt động thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động…

Để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động, Bộ LĐTB&XH đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Phối hợp với bộ để thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy…

Tăng cường triển khai công tác phòng ngừa tai nạn lao động với sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, điện giật, vật rơi…

Bộ LĐTB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tại nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; tăng cường triển khai công tác phòng ngừa tai nạn lao động với sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Phương Anh