Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao. Việt Nam là một trong những quốc gia ứng phó khá tốt với dịch bệnh nhưng cũng không tránh được rất nhiều khó khăn. Trong đó, bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng lao đao mạnh nhất.

Tuy nhiên, sau 4 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều đại gia bất động sản đã từng bước vượt khó và chuẩn bị cho đà tăng trưởng mới.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 cho thấy chuỗi thời gian thua lỗ của Novaland vẫn kéo dài. Người lao động là lực lượng chịu ảnh hưởng rõ nét nhất. Sau 4 năm Covid-19, cả ngàn người Novaland mất việc.

Kéo dài chuỗi ngày thua lỗ, hàng ngàn nhân sự mất việc

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, trong kỳ, Novaland ghi nhận khoản lỗ 601 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 410 tỷ đồng của quý 1/2023.

Công ty lỗ trong bối cảnh doanh thu tăng nhẹ từ 604 tỷ đồng lên 698 tỷ đồng nhưng doanh thu tài chính lại giảm 920 tỷ đồng xuống 640 tỷ đồng. Trong khi đó, các chi phí đi lên đáng kể. Chi phí bán hàng tăng từ 37,4 tỷ đồng lên 54 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 304 tỷ đồng lên 325 tỷ đồng.

Cùng với việc thua lỗ, tình trạng âm nặng dòng tiền vẫn tái diễn tại Novaland. Tại ngày 31/3/2024, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ là âm 274 tỷ đồng. Con số này cuối quý 1/2023 thậm chí còn lớn hơn khi âm tới 3.236 tỷ đồng.

Do bức tranh tài chính chưa thoát khỏi cảnh bết bát nên Novaland tiếp tục cắt giảm nhân sự. Hồi cuối quý 1/2024, cả hệ thống Novaland chỉ còn 1.034 người, giảm 57 người so với cuối năm 2023. Trước đó, Novaland liên tục gây sốc trên thị trường khi sa thải hàng loạt. So với cuối năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, quy mô nhân sự tại Novaland giảm 1.213 người, tương đương 54%. Điều đó có nghĩa hơn một nửa nhân sự Novaland đã nghỉ việc trong hơn 3 năm qua.

Người ở lại bị nợ lương, Novaland muốn bán cổ phiếu để trả nợ lương

Trong khi hơn 1.000 người lao động Novaland mất việc, không ít người ở lại bị rơi vào tình cảnh nợ lương. Đáng chú ý, con số nợ đang có xu hướng tăng theo quý.

Cụ thể, tại ngày 31/3/2024, Novaland ghi nhận 26,5 tỷ đồng phải trả người lao động. Trong đó, toàn bộ 26,5 tỷ đồng là nợ lương. Nợ tiền thưởng được xác định là 0 đồng. Không rõ Novaland không nợ thưởng hay không thưởng cho nhân viên để mà không nợ.

Trước đó, Novaland nợ lương 2,8 tỷ đồng hồi cuối quý 1/2023; nợ lương 3,9 tỷ đồng, nợ lương tháng 13 và thưởng 22,5 tỷ đồng hồi cuối quý 1/2022; nợ lương 4,5 tỷ đồng, nợ lương tháng 13 và thưởng 21,6 tỷ đồng cuối quý 1/2021; nợ lương 1,6 tỷ đồng, nợ lương tháng 13, thưởng 40,8 tỷ đồng cuối quý 1/2020;

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 của Novaland không cho thấy tình hình nợ lương, thưởng.

Để giải quyết tình trạng nợ lương, Novaland muốn… bán cổ phiếu.

Mới đây, Novaland đã trình Hội đồng Quản trị thông qua nghị quyết triển khai phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với số lượng là 1.170.062.722 cổ phiếu.

Tổng giá trị huy động hơn 11.700 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để thanh toán chi phí lương cho cán bộ nhân viên trong công ty. Đồng thời, Novaland còn dùng tiền để thanh toán chi phí vận hành, góp vốn vào các công ty con, phát triển dự án của công ty, tái cơ cấu nợ và thanh toán một phần các khoản phải trả.

Tuy nhiên, cổ đông lo lắng việc phát hành thêm 1,2 tỷ cổ phiếu có thể ảnh hướng đến thị giá cổ phiếu  NVL trên sàn.

Ông Dương Văn Bắc - Giám đốc Tài chính công ty cho biết so với thời điểm trước khi khủng hoảng xảy ra, cổ phiếu NVL hiện nay đã giảm 80% - 90%. Đây cũng là một mức giảm lớn trên thị trường và cũng phản ánh được sự khó khăn mà công ty đã gặp phải trong quãng thời gian qua.

"Đến thời điểm hiện tại, tình hình chung của công ty đã có những biến chuyển tích cực hơn so với giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023 như ban lãnh đạo công ty đã chia sẻ trước đó. Trong lộ trình tái cấu trúc, việc huy động nguồn vốn mới là cơ sở để tập đoàn có nguồn lực tài chính bổ sung, vững vàng bước qua giai đoạn khủng hoảng và đẩy nhanh tốc độ phục hồi các hoạt động kinh doanh", ông Dương Văn Bắc cho biết.

Quang Dân