Với mức lương hưu 4,5 triệu đồng, dù ở nông thôn nhưng bà Phạm Thị Lan, 75 tuổi, cưụ giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định cho biết, dù mức lương hưu ở mức trung bình khá nhưng bà cũng không dễ dàng gì để cân đối các khoản chi sinh hoạt trong một tháng như tiền điện, nước, ăn uống. Không những thế, mỗi tháng bà phải trích đều ra gần 1 triệu đồng dành cho mua thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Ngoài ra, chưa kể các khoản đột xuất như ốm đau, thăm hỏi, đình đám. Do vậy, sắp tới, chính sách tăng tiền lương sẽ tạo nguồn động lực rất lớn cho những cán bộ hưu trí, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, theo bà Lan, lương hưu phải tăng lên ít nhất 10% nữa mới đủ để có một cuộc sống tạm gọi là thoải mái.

Còn với ông Trần Văn Nam, 54 tuổi (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), với mức lương hưu quân đội cũng khá cao (hơn 10 triệu đồng/tháng) nhưng đầu tháng chưa được nhận lương cũng biết sẽ chẳng còn lại được mấy khi phải đóng các khoản học cho 2 đứa con. Trong khi đó, với sinh hoạt ở Thủ đô, dù là cái tăm hay ngụm nước cũng liên quan đến tiền, chi tiêu khoản gì cũng phải tính toán, do vậy, rất mong Nhà nước tăng lương hưu phù hợp để cải thiện cuộc sống.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cả nước có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Trong đó, hơn 3,4 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.

Với những người cao tuổi, lương hưu không chỉ là một khoản thu nhập, mà còn là nguồn động viên tinh thần, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống khi về già, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ và thực hiện những hoạt động có ý nghĩa. Lương hưu là quyền lợi của người lao động sau khi được nghỉ chế độ. Đó cũng chính là nguồn lực hết sức cần thiết để thực hiện an sinh xã hội.

Liên quan đến cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn phải gặp khó khăn, thiệt thòi sau cải cách.

Theo đề xuất của Bộ LĐTB&XH, từ ngày 1/7/2024, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ tăng 15%. Người đứng đầu Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, nếu mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5% thì ít nhất lương hưu phải tăng 15%. Khi thực hiện cải cách tiền lương, người lao động nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được giải quyết chế độ ở mức cao nhất, bảo đảm không bị thiệt thòi. Đối với người có công, sau cải cách tiền lương sẽ được hưởng mức cao hơn bình quân

Còn Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024 là 8%, để giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ 1/7/2024 trở đi.

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, với cách tính mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo đề xuất thì bình quân 5 năm mức lương hưu của người lao động tăng khoảng 1,5% (chưa tính yếu tố trượt giá), đồng thời lương hưu của người nghỉ hưu sau ngày 1/7/2024 chỉ tăng khoảng 0,13% so với người nghỉ hưu tháng 6/2024.

Trên thực tế, mức điều chỉnh lương hưu tại năm 2004, 2005 chỉ khoảng 10% và xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 (theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) thì Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8% là phù hợp.

Liên quan đến vấn đề này Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTB&XH rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc và cơ sở pháp lý tại quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về việc điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu được dựa trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 28-NQ/TW...

Về mức tăng lương hưu, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ phân chia thành 3 nhóm đối tượng. Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7/2024. Với nhóm người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024, Nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Với nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng nhấn mạnh thêm, việc điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương công chức sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.

Về phía Bộ Nội vụ cho rằng, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ xóa bỏ mức lương cơ sở trong cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, và thay thế bằng cách tính tiền lương mới, nhưng đảm bảo không thấp hơn mức lương hiện hưởng.

Theo tính toán của Bộ Nội vụ, tiền lương trung bình của công chức, viên chức khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ cao hơn khoảng 30% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng). Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu lương công chức tăng dự kiến 30% thì lương hưu cần tăng ít nhất thêm 15% là hợp lý. Tiền lương đóng bảo hiểm để làm căn cứ tính lương hưu cũng cần thay đổi để có mức đóng phù hợp, tính toán đến mức tăng thu nhập, đời sống của người dân…

Hiện chưa có con số chính xác về mức tăng lương hưu từ ngày 1/7. Dự kiến, nghị định điều chỉnh lương hưu sẽ trình Chính phủ vào tháng 5/2024.
Phương Anh