Bà Trần Thị Nga, đại diện Công ty Viet Cleaning tại Hà Nội chia sẻ, dù không phải là doanh nghiệp chuyên về sản xuất, tuy nhiên, trải qua 4 đợt dịch bệnh COVID-19 phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, khi giá xăng tăng liên tục kéo theo giá thực phẩm cũng leo thang, để giúp người lao động yên tâm làm việc, hoạt động của công ty ổn định, công đoàn công ty thường xuyên quan tâm và chia sẻ kịp thời với người lao động như hỗ trợ y tế, thăm hỏi, động viên…

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chị Trần Thị San (quê ở Hà Giang) cũng như nhiều công nhân tại một công ty may tại Hưng Yên phải luân phiên nghỉ việc. Những ngày đi làm, dù công việc có vất vả hơn nhưng chị San vẫn vui vẻ và cảm thấy may mắn vì vẫn có việc để làm. Theo chị San, trong giai đoạn khó khăn này, người lao động càng phải chăm chỉ hơn, đem lại hiệu suất lao động cao hơn, như vậy mới chung tay, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh.

Ông Nguyễn Xuân Điều, giám đốc một công ty sản xuất vật liệu xây dựng tại Hà Nội cho biết, các đợt dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đơn vị, các công trình xây dựng đình trệ do công nhân bị mắc COVID-19. Thậm chí sau khỏi, một số công nhân tâm lý, sức khỏe chưa ổn nên chưa quay lại làm việc hoặc có ý định chuyển công việc. Để tiếp tục ổn định sản xuất, tiếp nhận các công trình mới, công đoàn công ty đã cố gắng “níu chân” người lao động bằng các giải pháp thiết thực như tăng ngày công, tăng tiền thưởng chuyên cần hay có những hỗ trợ kịp thời cho những gia đình nuôi con nhỏ…

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, tại một số địa phương, sau đại dịch COVID-19, nhiều công ty rơi vào tình trạng hoạt động sản xuất cầm chừng do thiếu lao động cục bộ, ảnh hưởng hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Chính quyền các địa phương tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp bằng các giải pháp cụ thể để hỗ trợ người lao động, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tại Hà Nội, một số doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp cho biết, doanh nghiệp đã chú trọng tạo các cơ hội việc làm trong một chuỗi cung ứng, liên kết, song song với đó là thực hiện các biện pháp hỗ trợ chăm sóc y tế để lao động thất nghiệp được đăng ký tham gia, được tiêm phòng và huấn luyện nhanh để tham gia làm việc trong các cơ sở y tế chữa bệnh COVID-19...

Tại nhiều địa phương, nhằm chia sẻ khó khăn với chủ sử dụng lao động trong thời kỳ dịch bệnh, các công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, như chấp nhận việc làm bị gián đoạn, chậm nhận lương, làm trái nghề… với một niềm tin doanh nghiệp nhất định sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn để khôi phục lại sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp khẳng định, từ đầu năm 2022, chính sách tuyển dụng của các công ty có sự thay đổi. Hầu hết các đơn vị tuyển dụng đều chủ động chăm lo và điều chỉnh chính sách đãi ngộ trong và sau khi kiểm soát dịch COVID-19. Đây được xem là giải pháp  để "giữ chân" người lao động.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp khan hiếm lao động, ảnh hưởng trực tiếp tốc độ phục hồi sản xuất, kinh doanh, việc triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động đang trở nên cấp bách. Do đó, các chính sách hỗ trợ trực tiếp thu hút người lao động như: Vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ về nhà ở, đào tạo... cần được triển khai sớm để thu hút người lao động, gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp. Ðồng thời cần triển khai đồng bộ, kịp thời “chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động” của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội... 

Trong 2 năm qua, đối mặt với những thách thức của đại dịch COVID-19, với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ cho hàng triệu người dân, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó có các chính sách theo Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng và gần đây là Nghị quyết 116 với gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp dành cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các chương trình, chính sách khác như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động…

Có thể nói, những chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả đã thể hiện tính nhân văn và trách nhiệm của các cấp, ngành luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt khó.

Trong bối cảnh dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ có ý nghĩa hết sức thiết thực giúp người lao động bám trụ sản xuất cùng doanh nghiệp, đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động, người dân bị ảnh hưởng và góp phần giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Dưới góc độ cơ quan chăm sóc và bảo vệ quyền lợi của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết đã chỉ đạo các cấp công đoàn trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời phát hiện những khó khăn của người lao động để kịp thời phản ánh, để kiến nghị với các cấp, các ngành về các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động khó khăn, đặc biệt là các lao động yếu thế như lao động nữ di cư đang mang bầu, con nhỏ, lao động di cư, nhập cư mất việc.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm, sẻ chia, đồng hành của các công ty, doanh nghiệp với người lao động đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và chất lượng cuộc sống của người lao động.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng với sự đồng hành, gắn bó, chia sẻ khó khăn của người lao động với doanh nghiệp, cùng với các giải pháp và quyết tâm của doanh nghiệp trong chiến lược sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19, đặc biệt là sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, hy vọng các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, việc làm cho người lao động.

Phương Anh