Du lịch là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất từ dịch Covid-19 so với các lĩnh vực kinh tế khác. Mới đây, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho biết, ước tính trong năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm 20-30%. 

Điều này dẫn đến tổn thất ước tính 300-450 tỉ USD đối với hoạt động du lịch quốc tế trong năm 2020, tương đương gần 1/3 trong số 1.500 tỉ USD mà ngành này thu được vào năm 2019. 

Con số ước tính trên đã được điều chỉnh giảm mạnh hơn dự báo được đưa ra trước đó. Khi đó, UNWTO dự báo mức giảm chỉ từ 1-3%. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008-2009, lượng khách du lịch quốc tế chỉ giảm 4%. Còn trong năm 2003, khi bùng phát hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) làm 774 người thiệt mạng, con số trên cũng chỉ giảm 0,4%. 

Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng do Covid-19, UNWTO đã hợp tác chặt chẽ hơn với hệ thống Liên Hợp quốc, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để hướng dẫn cách ngăn chặn và bảo vệ sức khỏe cho khách du lịch, đưa ra các khuyến nghị chính cho cả lãnh đạo cấp cao và khách du lịch.

Để củng cố và tăng cường ứng phó tốt hơn, UNWTO đã thành lập Ủy ban Khủng hoảng du lịch toàn cầu.

Nhiều quốc gia đã áp đặt các hạn chế đi lại và nhiều hãng hàng không phải ngừng các tuyến bay khi các chính phủ trên khắp thế giới nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung của du lịch thế giới. Trong 3 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch mất việc và đứng trước nguy cơ mất việc. Với mức giảm này, Việt Nam cũng rất khó để đạt được mục tiêu năm 2020 là đón khoảng 20,5 triệu lượt du khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 830.000 tỷ đồng.

Thái Hải