Chi trả gần 7.000 tỷ đồng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng

Dịch Covid-19 đã và đang tác động lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, khiến nhiều người lao động mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động.

Người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương 565.000 người). Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp lên đến gần 7.000 tỷ đồng, tăng 40%. Điều đó cho thấy, vai trò quan trọng của quỹ BHTN.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, thời gian qua, Cục Việc làm đã chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm địa phương tích cực hỗ trợ người lao động, thực hiện đầy đủ các quyền lợi về BHTN cho người lao động.

Cũng trao đổi về vấn đề này, theo ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, người lao động đến với trung tâm đề nghị hưởng BHTN nhiều nhất vào tháng 4 và tháng 5. Khi làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động được giới thiệu việc làm miễn phí. 

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, sau hơn 11 năm thực hiện chính sách BHTN, cả nước có 13,4 triệu người tham gia (chiếm 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi), gần 6 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và hơn 190.000 người được hỗ trợ học nghề. 

Cùng với đó, thông qua chế độ học nghề, người lao động sẽ trang bị những kỹ năng, kiến thức giúp họ sau khi quay trở lại thị trường lao động, có việc làm ổn định.

Ông Thảo cho hay, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu nâng cấp sàn giao dịch việc làm hiện có thành trang web việc làm quốc gia để cung cấp thông tin về thị trường lao động, kết nối người lao động với doanh nghiệp, và doanh nghiệp với các địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến sẽ cho phép sử dụng 3.000-5.000 tỷ đồng từ Quỹ BHTN để hỗ trợ người sử dụng lao động, lao động đào tạo và đào tạo lại cho người lao động nhằm nâng cao tay nghề, chuyển đổi việc làm.

Vai trò “bà đỡ”

Đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, BHTN là loại bảo hiểm ngắn hạn, có vai trò như “bà đỡ” của Nhà nước, giúp cho người lao động khi không có việc làm được nhận những hỗ trợ, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tham gia nộp hồ sơ hưởng BHTN, người lao động được hỗ trợ như: Trợ cấp thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

Ông Lợi cũng đánh giá cao Chính phủ, các cơ quan xã hội, trung tâm giải quyết chính sách BHTN cho người lao động rất kịp thời. Đây là nguồn động lực để người lao động đảm bảo ổn định gia đình khi chưa tìm kiếm được việc làm mới.

Dẫn số liệu từ tháng 2 đến tháng 5/2020, số doanh nghiệp đăng ký tại sàn giao dịch việc làm tại Hà Nội là 2.196 với 21.269 chỉ tiêu tuyển dụng, theo ông Lợi, “như vậy, cơ hội việc làm cho người lao động vẫn rộng mở, số lao động bước vào thị trường lao động có thể vẫn tăng, nhưng một bộ phận lao động ở các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vẫn cần hưởng BHTN. Từ đó, các cơ quan chuyên trách phải tư vấn cho người lao động hiểu sâu về chính sách này”.

leftcenterrightdel
  BHTN là loại bảo hiểm ngắn hạn, có vai trò như “bà đỡ” của Nhà nước, giúp cho người lao động khi không có việc làm được nhận những hỗ trợ. Ảnh minh hoạ

“Song, chúng ta không nên nghĩ nhận trợ cấp thất nghiệp để sử dụng trang trải cuộc sống, mà phải nghĩ đến đào tạo để đủ khả năng, trình độ chuyển đổi sang lĩnh vực, doanh nghiệp khác làm việc. Cho nên, cần hết sức lưu ý, trong thời nghỉ 1-2 tháng hưởng bảo BHTN, người lao động có thể đi học nghề, nâng cao trình độ để tìm được việc làm bền vững. Đây chính là vai trò “bà đỡ” của BHTN đối với người lao động”, ông Lợi nói thêm.

Cũng theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, theo quy định của pháp luật, khi người lao động bị thất nghiệp thì dùng quỹ BHTN để đào tạo lại nghề. “Hiện nay, quỹ này đang kết dư 80.000 tỉ đồng. Vì vậy, nếu bỏ 4.500 tỉ đồng hoặc 7.000 tỉ đồng để đào tạo nghề thì rất có khả năng. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng làm sao đó để chuyển nguồn kinh phí này giao cho các doanh nghiệp đào tạo đi trước, đón đầu, đào tạo lại, đào tạo người thất nghiệp để họ sớm quay trở lại thị trường lao động”, ông Lợi nêu.

Chính trong thời điểm này, BHTN đã thật sự giúp người lao động bảo đảm, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

Phát huy chức năng quản trị thị trường lao động

Có thể nói, chính sách BHTN có được kết quả như hiện nay là nhờ công tác triển khai, được thực hiện đồng bộ, kịp thời của ngành BHXH và ngành LĐ-TB&XH, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành liên quan.

Ðặc biệt, trong đại dịch Covid-19, hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm đã phát huy chức năng quản trị thị trường lao động thông qua thực thi chính sách BHTN; giúp người lao động bảo đảm một phần cuộc sống, vượt qua những khó khăn lúc đại dịch.

Theo Cục Việc làm, thời gian tới, để phát huy vai trò tích cực hơn của chính sách BHTN, cần có giải pháp sử dụng hiệu quả Quỹ BHTN. Về lâu dài, cần hoàn thiện chính sách BHTN theo hướng mở rộng diện bao phủ tham gia, nhất là với lao động trong khu vực phi chính thức. Đồng thời, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong suốt quá trình tham gia BHTN.

Cục trưởng Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điểm của Luật Việc làm về BHTN. Bộ LĐ-TB&XH cũng đang xây dựng đề án "Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BH thất nghiệp". Ðề án hướng tới hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện, hỗ trợ đầy đủ các chế độ BHTN để chính sách BHTN thật sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.

Cùng với đó, chú trọng phát triển năng lực thực hiện BHTN; xây dựng hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đồng bộ, hiện đại, phục vụ công tác BHTN, đáp ứng sự phát triển của thị trường lao động.

Kiên Trung