Hàng trăm người dân của hai thôn có mặt từ rất sớm đứng chật kín trong sân nhà văn hóa.

Ông Ngô Chấu (thôn Vân Dương 2) đề nghị lãnh đạo TP phải có trách nhiệm với dân. TP hứa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại 2 nhà máy thép này từ lâu nhưng đến nay người dân vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề, nên đề nghị đóng cửa.

Ông Phạm Mại (Vân Dương 2) bức xúc: “Những ngày qua, người dân đã có 2 ngày, 2 đêm đóng trại để phản đối nhà máy thép, thực tình người dân không muốn vậy vì hiểu, nhà máy có giấy phép hoạt động, nhưng vì quá bức xúc mới hành động như vậy. Chúng tôi đã sinh sống nhiều đời trên mảnh đất này, chúng tôi muốn tiếp tục sinh sống tại nơi đây vì đã gắn bó với chúng tôi...”.

Người dân bức xúc phát biểu việc nhà máy thép liên tục gây ô nhiễm


Ông Phan Nhạn (Vân Dương 1) nêu ý kiến: “Người dân không thống nhất đến định cư ở Khu tái định Hòa Liên 6, do khu tái định cư này vẫn bị ảnh hưởng ô nhiễm từ 2 nhà máy thép....”.

Ông Ngô Chấn, trú (Vân Dương 2) nêu nguyên nhân người dân phản đối nhà máy thép: “Ngay từ ngày 13 và 14/11/2016, khi nhà máy thép xả thải ra môi trường, bà con mới kéo ra phản đối, chứ thực ra 10 năm qua, người dân hiểu rõ, nhà máy hoạt động có giấy phép, đúng quy định... nhưng vấn đề gây ô nhiễm làm người dân không chịu nổi...! Nhà máy vẫn còn ở vị trí hiện tại thì vấn đề mâu thuẫn giữa người dân và nhà máy vẫn còn diễn ra... Vậy thì nên di dời nhà máy thép, hay di dời dân, chính quyền TP cần lựa chọn giải pháp...”

Người dân xã Hòa Liên bao vây Nhà máy Thép DANA-Ý phản đối việc gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: NP

Sau khi nghe các ý kiến từ nhiều phía, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh phát biểu: “Vấn đề lịch sử nhà máy thép, bà con nhân đều đã rõ... TP đã đặt ra phương án di dời nhà máy thép, nhưng chưa tìm được vị trí.... Nếu chuyển lên Khu Công nghiệp Hòa Nhơn, phải đến năm 2020 mới có thể thực hiện được. Vấn đề di dời dân, phải đối mặt với áp lực tái định cư... phải làm sao đảm bảo an toàn tuyệt đối, khi khu dân cư phải nằm cách 2 nhà máy trên 500 mét.

Chính vì vậy, cả 2 phương án đều chưa chọn được phương án tối ưu.

Ông Minh hứa trước người dân rằng, TP sẽ chọn phương án ít xấu nhất để thực hiện.

Ngày 1/3, UBND TP Đà Nẵng phát Thông báo số 20 về kết luận chỉ đạo xử lý như sau:

Văn phòng UBND TP tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, khẩn trương hoàn thiện các phương án xử lý liên quan đến việc di dời, giải tỏa tại khu vực 2 nhà máy thép; trình Ban Cán sự Đảng UBND TP xem xét, cho ý kiến để báo cáo xin chủ trương của Thường trực Thành ủy. Thời gian hoàn thành chậm nhất trước ngày mai (2/3).

Trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo giải quyết của lãnh đạo TP, yêu cầu Cty Cổ phần Thép DANA-Ý và Cty Cổ phần Thép DANA-UC tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường. Thời gian tạm dừng kể từ ngày 28/2. 

Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường phối hợp với UBND huyện Hòa Vang tổ chức giám sát việc tạm dừng hoạt động nêu trên.

Các hoạt động vận chuyển, bốc, dỡ, xuất, nhập hàng hóa và các hoạt động hành chính khác của doanh nghiệp vẫn được thực hiện bình thường. Khi thực hiện việc vận chuyển, xuất-nhập hàng hóa, yêu cầu các doanh nghiệp thông báo cụ thể thời gian, loại phương tiện, số lượng người tham gia cho UBND xã Hòa Liên biết để thực hiện việc giám sát.

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND xã Hòa Liên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân được rõ, ủng hộ chủ trương của TP và chấp hành đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có), ngăn chặn có hiệu quả mọi hành vi lôi kéo, kích động người dân gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Chủ tịch UBND xã Hòa Liên có trách nhiệm tổ chức công khai nội dung thông báo kết luận này đến người dân và các doanh nghiệp biết để thực hiện.

Ngọc Phó