Kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định

Những ngày đầu sau giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh bước vào công cuộc xây dựng, tái thiết với muôn vàn khó khăn, tổng sản phẩm đạt thấp, tăng trưởng chậm.

Đến nay, sau 49 năm vượt qua khó khăn, nỗ lực tìm tòi, đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt; trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Thông tin từ Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2023, kinh tế đứng vững dù phải chịu tác động lớn từ kinh tế thế giới trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, các nguồn lực về vốn, nhân lực của doanh nghiệp đang cạn dần.

Từ mức tăng trưởng GRDP 0,7% của quý I/2023, Thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để đạt mức tăng trưởng tích cực trong quý II (+5,87%), quý III (+6,71%). Nghị quyết số 98/2023/QH15 được Quốc hội ban hành vào cuối tháng 6/2023 như là động lực, tiếp thêm sức mạnh để kinh tế Thành phố tăng tốc ở quý IV (+9,62%), góp phần đưa tăng trưởng cả năm đạt 5,81%.

Năm 2023, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước ước thực hiện 439.288 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 127.408 tỷ đồng, đạt 100,8% dự toán, tăng 33,7% so với cùng kỳ.

Trong quý I/2024, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) ước đạt 406.345,3 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010 đạt 269.891,6 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố trong quý I/2024 ước tăng 7,6% so với cùng kỳ, trong đó thu từ khu vực kinh tế đều tăng góp phần thu nội địa tăng 20,9%, riêng thu từ dầu thô giảm 23,2% và thu từ xuất nhập khẩu giảm 22,6%. Bên cạnh đó, chi ngân sách địa phương ước tăng 59,3%, trong đó chi cho đầu tư phát triển gấp 5,2 lần so với cùng kỳ.

Về lĩnh vực đầu tư, năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Thành phố ước thực hiện 370.607,8 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn Nhà nước ước đạt 86.231,3 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ; vốn ngoài Nhà nước ước đạt 248.115 tỷ đồng, tăng 7,6%; vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 36.261.5 tỷ đồng, tăng 9,8%.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn Thành phố quý I/2024 ước thực hiện 68.032,7 tỷ đồng, bằng 57,1% so với quý trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ.

Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành, trình phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060; đồ án quy hoạch chung Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040.

leftcenterrightdel

Thành phố Hồ Chí Minh đã mang diện mạo của một đô thị văn minh, hiện đại. Ảnh: Thu Huyền 

Đồng thời, tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15” với 14 nhóm giải pháp trọng tâm và 74 nhiệm vụ cụ thể.

Quan tâm đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội

Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết việc làm cho 315.797 lượt người, đạt 105,3% kế hoạch năm; số việc làm mới được tạo ra là 141.476, đạt 101,1% kế hoạch năm. Tỷ lệ thất nghiệp chung của Thành phố ước tính 3,96%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị 3,97%; khu vực nông thôn 3,90%.

Tổng số giải quyết việc làm trong quý I/2024 trên địa bàn Thành phố là 80.925 lượt người, đạt 27,0% kế hoạch năm; có 36.814 việc làm mới được tạo ra, đạt 26,3% kế hoạch năm.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 22.867 hộ nghèo, hộ cận nghèo với 91.253 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,9% số hộ Thành phố. Các cơ quan, ban, ngành đã tổ chức cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ, giải quyết việc làm, trợ giúp trực tiếp chăm lo hộ nghèo và thực hiện chính sách ưu đãi xã hội.

Trong quý I/2024, các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức đã mua là 98.045 thẻ bảo hiểm y tế cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo.

Thành phố đang quản lý 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập với 6.379 đối tượng; 1 cơ sở giáo dục (Trường Hermann Gmeiner) với 1.183 học sinh; 1 cơ sở đào tạo (Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm Thành phố) với 492 em; 65 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, nuôi dưỡng và chăm sóc 2.882 người.

Thực hiện theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Thành phố trợ cấp xã hội cho 132.805 người với kinh phí gần 83,1 tỷ đồng; xét duyệt trợ giúp xã hội khẩn cấp cho 1.258 trường hợp với tổng kinh phí hơn 22,6 tỷ đồng tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Triển khai Quyết định 812/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của UBND Thành phố, các đơn vị đã tiếp nhận ban đầu 500 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác, trong đó có 57 trường hợp có biểu hiện tâm thần.

Đối với việc thực hiện chính sách với người có công, tính đến tháng 2/2024, Thành phố Hồ Chí Minh có 35.925 người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng, kinh phí chi trả hơn 76,1 tỷ đồng/tháng. Công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được Đảng bộ, chính quyền và người dân Thành phố quan tâm, thực hiện bằng những việc làm thiết thực.

Những thành tựu của chặng đường 49 năm vượt qua khó khăn, tìm tòi đổi mới đã đưa Thành phố Hồ Chí Minh từng bước đi lên, mang diện mạo của một đô thị văn minh, hiện đại. Đây còn là một thành phố nhân văn, luôn quan tâm đến đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội và chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa.

Thu Huyền