Theo thống kê của Bộ TT&TT, trong 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt hơn 1,365 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32,7% so với kế hoạch năm (4,171 triệu tỷ đồng). Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 32,461 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32% so với kế hoạch năm (101,593 nghìn tỷ đồng).

Ngoài ra, trong tháng 4/2024, Bộ TT&TT đã ban hành 26 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 818 triệu đồng, trong đó: Xử phạt Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ Thành Đạt số tiền 170 triệu đồng do có hành vi cung cấp dịch vụ nội dung theo định kỳ trên mạng viễn thông di động mà không có sự đồng ý của người sử dụng bằng tin nhắn ngắn; xử phạt số tiền 50 triệu đồng đối với 01 đơn vị do có hành vi giới thiệu, quảng bá các trang thông tin điện tử (website) có nội dung vi phạm quy định pháp luật và 85 triệu đồng đối với 01 đơn vị do có hành vi cung cấp chương trình, kênh chương trình trên dịch vụ phát thanh, truyền hình có nội dung không được thông tin trên báo chí, không được phép phổ biến, có nội dung bị cấm hoặc có quyết định thu hồi, tịch thu; xử phạt 01 đơn vị số tiền 60 triệu đồng do có hành vi thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp tại tên miền phapluat… khi chưa được cấp phép và 01 tạp chí điện tử số tiền 110 triệu đồng do có hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng, mở chuyên trang đối với tạp chí điện tử mà không có giấy phép.

Trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ TT&TT đã tiếp nhận, xử lý và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ đối với 45 kiến nghị của cử tri liên quan đến những vấn đề sửa đổi Luật Bưu chính, Luật Báo chí, Luật Xuất bản; sửa đổi Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ; giải quyết tình trạng “SIM rác”, tin nhắn rác, “tài khoản rác”; phủ sóng các thôn, bản nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ngăn chặn tình trạng quảng cáo không đúng sự thật về công dụng của thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông; có biện pháp quản lý chặt chẽ, kiểm soát, kiểm duyệt hiệu quả hơn đối với các thông tin được truyền tải trên Internet... và một số vấn đề khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ TT&TT.

Qua đó, Bộ TT&TT đã triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể: Trình Chính phủ hồ sơ Luật Báo chí (sửa đổi); Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách; tiếp tục triển khai phủ sóng vùng lõm, thúc đẩy tắt sóng 2G theo lộ trình; gắn trách nhiệm cho người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông trong việc thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký thông tin thuê bao, phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi, ngăn chặn triệt để tình trạng SIM rác.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ triển khai thực hiện các giải pháp: Trình hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Bưu chính (sửa đổi), Luật Xuất bản (sửa đổi); tham mưu Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ, như: Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Nghị định sửa đổi Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin...

Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ TT&TT.

Hoàng Nam