Xuân Thiện Group có thừa tiền đến mức sẵn sàng tài trợ 300 tỷ đồng?

Như Báo Thanh tra đã phản ánh trước đó, chỉ tính riêng các DA mà Xuân Thiện Group cũng như các pháp nhân khác có liên quan đến doanh nghiệp này được chấp thuận chủ trương đầu tư tại 3 tỉnh Hòa Bình, Nam Định và Ninh Bình đã lên đến con số hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Chưa kể, Xuân Thiện Group đang thực hiện đầu tư khai thác khoảng 20 DA thủy điện trong và ngoài nước như thủy điện Suối Sập 1 (công suất 180MW), thủy điện Háng Đồng A (160W), thủy điện Háng Đồng A1 (160MW) tại Sơn La; thủy điện Khao Mang Thượng (180W), thuỷ điện Thác Cá tại Yên Bái; thuỷ điện Sông Lô tại Hà Giang...

Ngoài ra, Xuân Thiện Group còn có 2 cụm DA điện mặt trời “khủng” gồm Xuân Thiện Ninh Thuận và Xuân Thiện Đắk Lắk đã đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2020 với tổng mức đầu tư là 23.500 tỷ đồng. Trước đó, trong vòng 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8/2020, nhóm công ty thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Thiện như Công ty Cổ phần Ea Súp 1, 2, 3, 5, Xuân Thiện Thuận Bắc, Xuân Thiện Đắk Lắk đã huy động được 12.800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.

Với biểu lãi suất khoảng từ 13 - 15%/năm tùy từng thời điểm theo lãi suất Ngân hàng Nhà nước thì số tiền mà Xuân Thiện Group phải trả riêng tiền lãi mỗi năm cũng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

DA được chú ý nhất trong mảng nông nghiệp công nghệ cao của Xuân Thiện Group là Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hoá, DA sữa dê hữu cơ Xuân Thiện Ninh Bình, DA nông lâm nghiệp thuộc cụm DA điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp và DA nông nghiệp công nghệ cao Xuân Thiện Cư M'gar.

Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cù Lao Mái Nhà (Phú Yên) là DA nổi bật của tập đoàn này trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, Xuân Thiện Group cũng tập trung trong các lĩnh vực kinh doanh quan trọng khác như sản xuất xi măng, xây dựng, bảo hiểm tài chính và vận tải.

Chưa kể các DA trước đó của Xuân Thiện Group cũng đa phần là vốn vay. Như vậy, tổng số tiền lãi mà doanh nghiệp này trả hàng tháng sẽ lên con số rất lớn chưa tính tiền gốc phải trả. Hàng tháng doanh nghiệp này cũng cần nhiều nghìn tỷ để thanh toán lãi vay và tiền gốc cho các chủ nợ. 

leftcenterrightdel
Tình hình vay trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Xuân Thiện Group. Nguồn: Viettimes.vn 
leftcenterrightdel
Thực trạng chỉ tiêu tài chính của hệ sinh thái Xuân Thiện Goup một số năm. Nguồn: Viettimes.vn 

Mới nhất, sáng ngày 12/4/2023, 1 ngân hàng ký hợp đồng tín dụng với Công ty Cổ phần Bê tông Nghĩa Hưng, trị giá hơn 700 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy Sản xuất cấu kiện bê tông công nghệ cao Xuân Thiện Nam Định. DA này được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt với tổng diện tích 56,8ha thuộc địa bàn 2 xã Nghĩa Hải và Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 350 nghìn tấn/năm. Sau khi hoàn thành, các sản phẩm của DA không những đảm bảo cung ứng cho thị trường trong nước mà còn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Một doanh nghiệp đang phải đi vay để đầu tư sản xuất kinh doanh lại có văn bản cam kết sẵn sàng tài trợ cho tỉnh Ninh Bình 300 tỷ đồng không hoàn lại để làm quy hoạch cho DA phát triển trong tương lai tại khu vực biển Kim Sơn thì cũng thật khó hiểu về động cơ và mục đích?

Tỉnh Ninh Bình đã có quyết định phê duyệt và công bố quy hoạch vùng Kim Sơn

Được biết, vào ngày 30/12/2022, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 1236 phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Kim Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu quy hoạch chung xây dựng khu vực đê Bình Minh II đến Cồn Nổi đã tập trung xây dựng khu phức hợp kinh tế, dịch vụ sinh thái biển với đặc trưng vùng ngập nước, tạo nên cửa ngõ kết nối hỗ trợ thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình. Riêng khu vực Cồn Nổi đóng vai trò kết nối không gian biển, kết nối kinh tế biển với vùng duyên hải Bắc Bộ, là điểm đến cho các lĩnh vực kinh tế mới của Ninh Bình chưa khai thác phát triển.

leftcenterrightdel
Vùng biển Kim Sơn thời điểm hiện tại. Ảnh: ND 

Ngày 15/4/2023, Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình đã đi thị sát vùng biển Kim Sơn nhằm đánh giá tiềm năng, thế mạnh của vùng ven biển đối với sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng trong thời kỳ mới của tỉnh.

Tại đây, lãnh đạo huyện Kim Sơn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình đã báo cáo về thực trạng quản lý đất đai, dân cư và khai thác nuôi trồng thủy, hải sản cũng như vai trò của vùng ven biển Kim Sơn đối với công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, vùng bãi bồi biển huyện Kim Sơn có tốc độ bồi lắng khoảng 80-100m mỗi năm. Từ năm 1959 đến nay đã có 4 lần quai đê lấn biển từ đê Bình Minh I đến Bình Minh IV, tổng cộng đã lấn biển được 5.027,9ha đất.

Cụ thể: Đê Bình Minh I được đắp năm 1959, chiều dài tuyến đê là 7,8km, quai đê lấn biển được 877,9ha. Đê Bình Minh II được đắp năm 1980, chiều dài tuyến đê 25,2km, quai đê lấn biển được 2.000ha. Đê Bình Minh III được đắp năm 1998, chiều dài tuyến đê 15km, quai đê lấn biển được 1.450ha. Đê Bình Minh IV: Đang thực hiện DA từ năm 2018 với chiều dài giai đoạn I là 6,3km (từ đê Bình Minh III đến đường ra Cồn Nổi) với tổng mức đầu tư 480 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện đến nay đạt 95%. Dự kiến đến 30/6/2023 hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.

Qua khảo sát thực tế và nghe các đơn vị báo cáo, ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đánh giá cao vị trí, vai trò của vùng ven biển Kim Sơn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng trong tình hình hiện nay. Ông Huấn nêu rõ: Chúng ta phải xem vùng biển Kim Sơn là nguồn tài nguyên động bởi nơi đây có nhiều lợi thế, trong đó có rất nhiều loại hải sản chất lượng cao như: Hàu, ngao, tôm... Các nguồn lợi từ rừng ngập mặn... Chính vì thế, các cấp, ngành cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch chi tiết vùng để thu hút đầu tư đảm bảo khai thác nguồn lợi này theo hướng công nghiệp chế biến kết hợp với du lịch trải nghiệm.

Để có thể phát huy lợi thế của vùng kinh tế biển Kim Sơn, ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Tỉnh cần sớm có chủ trương tổ chức lại đơn vị hành chính, tạo không gian phát triển từ Đê Bình Minh II ra đê Bình Minh III và Bình Minh IV (giai đoạn 1). Nghiên cứu để có phương thức quản trị số hóa về dân cư, đất đai theo hình thức cơ động phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng đảm bảo cho định hướng phát triển lâu dài. Đây cũng là giải pháp quan trọng để Ninh Bình bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trật tự an toàn ở địa phương, tham gia tích cực ứng phó với an ninh phi truyền thống theo phương châm quốc phòng an ninh gắn chặt với tạo điều kiện không gian phát triển kinh tế - xã hội.

Với mục tiêu xây dựng vùng kinh tế biển Kim Sơn thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới của tỉnh, ông Huấn đề nghị cấp ủy, chính quyền và các ngành sớm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhằm phát triển vùng kinh tế ven biển Kim Sơn gắn với bảo vệ hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội... Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu của Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Ninh Bình trở thành mắt xích quan trọng trong hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Như vậy có thể thấy, UBND tỉnh Ninh Bình đã có quyết định phê duyệt và công bố quy hoạch vùng Kim Sơn, tức là đã công bố xong việc quy hoạch nên chắc không cần phải huy động kinh phí để làm lại quy hoạch nữa.

Người dân Kim Sơn muốn được đầu tư nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế!

Như Báo Thanh tra đã phản ánh trước đó, cũng như hiện tại thì UBND huyện Kim Sơn vẫn treo Thông báo số 158 ngày 2/8/2019 về việc quản lý, sử dụng đất, đất có mặt nước ven biển phạm vi từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi và diện tích đất đơn vị 1080 bàn giao cho huyện Kim Sơn, để quản lý. Huyện Kim Sơn thông báo:

Toàn bộ diện tích đất, đất có mặt nước ven biển từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi và diện tích đất đơn vị 1080 thuộc quyền quản lý của UBND huyện Kim Sơn. Từ năm 2015 đến thời điểm tháng 8/2019, UBND huyện Kim Sơn chưa thực hiện việc cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất, giao đất nuôi trồng thủy sản, đất có mặt nước ven biển để sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.

Các hộ gia đình và cá nhân giữ nguyên hiện trạng diện tích đất nuôi trồng thủy sản, đất có mặt nước ven biển được hợp đồng trước năm 2015…

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Thanh tra ngày 20/1/2020, ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn khi đó cho biết, ngay khi báo chí phản ánh, tổ công tác của huyện đã mời các hộ dân lên và đến nay đã có 39 hộ dân ký cam kết, nếu xây dựng thì khi Nhà nước thu hồi sẽ không được đền bù.

Thời gian qua, tổ công tác của huyện đã lập 175 biên bản vi phạm hành chính, nhưng tuyệt nhiên không ban hành một quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào.

Trước đó, vào ngày 22/12/2019, chính ông Đỗ Hùng Sơn đã dẫn một đoàn cán bộ, trong đó có cả lực lượng công an với máy móc tiến hành cưỡng chế phá dỡ các công trình bể nuôi sản xuất hàu giống của nhiều người dân tại đây.

Điều lạ là, khi tiến hành cưỡng chế, UBND huyện Kim Sơn cũng như UBND xã Kim Đông không hề lập biên bản vi phạm hành chính hay ban hành quyết định cưỡng chế mà ngang nhiên mang máy cuốc vào san ủi các công trình phục vụ nuôi hàu giống của người dân đã xây trước đó.

Vào thời điểm này người dân tại đây đang đầu tư xây dựng các khu nuôi hàu giống có giá trị kinh tế cao và rất hiệu quả. Hàu giống được nuôi tại đây thuộc vào hàng tốt nhất cả nước. Với mỗi ha đất thì người dân có thể thu hàng tỷ đồng!

leftcenterrightdel
Hình ảnh người dân xây bể nuôi hàu giống bị tổ công tác huyện Kim Sơn đập bỏ trước thời điểm Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm khu vực này. Ảnh: ND 

Để làm được hàu giống thì người dân phải xây dựng các bể nuôi và các công trình nhà cấp 4 phục vụ cho nuôi trồng, nhưng theo cách hiểu của UBND huyện Kim Sơn khi đó thì là phải giữ nguyên hiện trạng và chỉ được cắm lều bằng tre lứa để nuôi. Theo người dân nếu vậy thì chỉ có cách là đánh bắt tự nhiên được con nào ăn con ấy chứ nuôi hàu giống thì phải có bể nuôi, nhà che mưa che nắng cũng như thực hiện các biện pháp kỹ thuật cao để canh tác.

Sau khi bị tổ công tác của huyện đập bỏ nhiều bể nuôi trồng, cộng với năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát thì đa phần các hộ đã đầu tư nuôi trồng lao đao và dẫn đến nợ nần chồng chất.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thời điểm thăm gia đình ông Lê Ngọc Quyết, tại xã Kim Trung, huyện Kim Sơn với mô hình nuôi hàu, ngao giống, tôm khá hiệu quả. Nguồn: Danviet.vn

Đến ngày 31/7/2020, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn đã đi kiểm tra thực địa tuyến đê biển Bình Minh III và thăm mô hình nuôi hàu, ngao giống, tôm tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Đoàn công tác đã đến thăm mô hình nuôi hàu, ngao giống và tôm của gia đình ông Lê Ngọc Quyết tại xã Kim Trung. Đây là mô hình nuôi trồng thủy sản đã mang lại giá trị hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Quyết cho biết, diện tích nuôi hàu, ngao giống và tôm của gia đình 7ha, bình quân lợi nhuận mang lại 1 tỷ đồng/1ha/năm.

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã biểu dương đối với mô hình của gia đình ông Quyết, khi đã mạnh dạn đầu tư vào nuôi trồng thủy sản, mang lại hiểu quả kinh tế cao.

Tức là người dân tại khu vực này chỉ cần có được quyền sử dụng đất ổn định thì sẵn sàng đầu tư nuôi trồng thủy sản với mục tiêu làm giàu cho gia đình và xã hội.

"Doanh nghiệp vì đâu họ sẵn sàng bỏ cả gia sản làm bao đời người mới ra 300 tỷ đồng để tài trợ cho tỉnh không hoàn lại để họ làm quy hoạch thì chúng tôi không tin lắm, trong khi họ đang phải chật vật đi vay để đầu tư. Vẫn biết phát triển khu công nghiệp, nhà máy là quan trọng nhưng với người dân chúng tôi ở đây thì đầu tư phát triển kinh tế biển, làm giàu cho quê hương cũng là quan trọng và cần thiết hơn là chờ hàng chục năm nữa mới có nhà máy này, nhà máy nọ", một người dân cho biết.

leftcenterrightdel
Thông báo của UBND huyện Kim Sơn đặt trên bờ đê. Ảnh: ND

Báo cáo đoàn công tác, ông Phạm Quang Ngọc, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Tỉnh vẫn luôn xác định nông nghiệp - nông dân - nông thôn là lĩnh vực ưu tiên quan trọng hàng đầu. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt nghị quyết, đề án định hướng, chính sách, nguồn lực để hỗ trợ, phát triển ngành. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả khá toàn diện.

Tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt trên 2%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành năm 2019 đạt trên 8.600 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 130 triệu đồng/ha. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực (tăng tỷ trọng thủy sản, dịch vụ, chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt). 

Công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng đi vào chiều sâu, các tiêu chí được nâng lên, bổ sung tiêu chí phản ánh sự hài lòng của người dân.

Theo ông Ngọc, với lợi thế của Ninh Bình là địa phương có biển. Tỉnh luôn xác định thủy sản là ngành mũi nhọn. Tập trung phát triển theo hai trục nước ngọt và mặn lợ, nuôi trồng và khai thác.

Năm 2020, diện tích đạt 14.000ha (tăng 2.900ha so với 2015), trong đó nước ngọt là 10,5 nghìn ha, mặn lợ khoảng 3,5 nghìn ha, còn dự địa để tiếp tục mở rộng; sản lượng ước đạt 60,7 nghìn tấn, giá trị ước đạt 1.694 tỷ đồng.

Đặc biệt, đối với thủy sản mặn lợ đã ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh, siêu thâm canh các đối tượng nuôi có lợi thế, có thị trường: Tôm, cua, ngao, cá chẽm… doanh thu 8 - 10 tỷ/ha. 

Ông Ngọc cho biết thêm, tỉnh có chính sách khuyến khích phát triển, đầu tư nâng cấp hạ tầng nuôi trồng thủy sản vùng ven biển, khai thác, sử dụng có hiệu quả trên 7.000ha vùng đất ven biển huyện Kim Sơn.

Nam Dũng