Cuối tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký Tờ trình số 112/TTr-CP báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Tại tờ trình này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là khoảng 25.540 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn do nhà đầu tư thu xếp. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 12.770 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương khoảng 10.536,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 2.233,5 tỷ đồng; vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỷ đồng.

Trước đó, hồi giữa năm 2023, ông Nguyễn Hữu Đường (hay còn gọi là Đường "bia"), Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình (Công ty Hòa Bình) cho biết, đơn vị này mong muốn tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Đáng chú ý, không lâu sau khi đại gia Đường “bia” công bố tham vọng này, Công ty Hòa Bình “hé lộ” bức tranh tài chính mất cân đối. Dù tổng tài sản lên đến 11.463 tỷ đồng nhưng tiền và các khoản tương đương tiền của công ty rất nhỏ nhoi, chỉ… gần 2,7 tỷ đồng.

Doanh thu lao dốc, chi phí thuế TNDN 0 đồng

Công ty TNHH Hòa Bình được xem là một trong những doanh nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội. Công ty Hòa Bình khởi nghiệp với ngành bia, từ đó giúp Chủ tịch Nguyễn Hữu Đường gắn liền với biệt danh Đường “bia”.

Sau thành công rực rỡ với đồ uống có cồn, Công ty Hòa Bình lấn sân sang rất nhiều mảng như kinh doanh sản xuất, kinh doanh rượu bia, nước giải khát, xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp, sản xuất malt (nguyên liệu chính để sản xuất bia), kinh doanh nhà, bất động sản,...

Trong đó, Công ty Hòa Bình nổi bật nhất với với bất động sản nhờ hàng loạt tòa nhà dát vàng như Hoà Bình Green City, dự án nghỉ dưỡng tại Hội An với 8 siêu căn hộ dát vàng dưới đáy biển, khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake, Đà Nẵng Golden Bay.

Đáng chú ý, dù nổi danh với bất động sản siêu cao cấp, Công ty Hòa Bình mới đây gây chú ý khi đầu tư vào nhà ở xã hội. Đó là dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng tại số 4-6-8 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Dự án gần 1.200 tỷ đồng này được thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng 4.516m2. Đây là nhà ở xã hội đầu tiên… dát vàng.

Dù có nhiều kế hoạch lớn lao như vậy nhưng Công ty Hòa Bình lại gây bất ngờ khi chứng kiến doanh thu lao dốc, lợi nhuận bé tí hon và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) liên tục là 0 đồng.

Cụ thể: Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 của Công ty Hòa Bình chỉ là 489 tỷ đồng, giảm 1.347 tỷ đồng, tương đương 73,3% so với năm 2022. Thế nhưng do giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn, giảm từ 1.814 tỷ đồng xuống 448 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 24,3 tỷ đồng lên 41,6 tỷ đồng.

Do chi phí tăng nên tổng lợi nhuận trước thuế của Hòa Bình chỉ đạt 2,5 tỷ đồng, cải thiện không đáng kể so với con số 2,4 tỷ đồng của năm 2022. Dù đạt lợi nhuận nhưng chi phí thuế TNDN của Công ty Hòa Bình lại được xác định là 0 đồng trong cả năm 2023 và 2022.

Kết quả là lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty chỉ là 2,5 tỷ đồng. Tỷ suất Lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu vô cùng thấp, đạt 0,4%, thấp hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm. Có thể thấy, hiệu quả sử dụng vốn của Công ty Hòa Bình rất kém, công ty không có đóng góp về mặt thuế TNDN cho ngân sách Nhà nước trong vài năm gần đây.

Chỉ còn… 2,7 tỷ đồng tiền mặt

Hiệu quả sử dụng vốn thấp không phải vấn đề duy nhất trong cân đối tài chính của Công ty Hòa Bình. Một trong những điểm phải lưu ý chính là dù có tổng tài sản lên đến 11.463 tỷ đồng nhưng tiền mặt của công ty rất nhỏ nhoi, chỉ… gần 2,7 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Công ty Hòa Bình lên tới 11.464 tỷ đồng, tăng 561 tỷ đồng, tương đương 5,1% so với cuối năm 2022. Thế nhưng, phần lớn tài sản của Công ty Hòa Bình lại được đưa ra khỏi công ty hoặc nằm ở dự án.

Theo đó, chỉ tiêu các khoản phải thu ngắn hạn lên đến 4.509 tỷ đồng, chiếm 39,3% tổng tài sản; chỉ tiêu chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 4.650 tỷ đồng, chiếm 40,6% tổng tài sản.

Có thể thấy phần lớn tài sản của Công ty Hòa Bình lại nằm ở phần thanh khoản kém hơn tiền. Trong khi đó, chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền vô cùng thấp, chỉ đạt gần 2,7 tỷ đồng, chiếm 0,02% tổng tài sản, trong đó, tiền mặt hơn 500 triệu đồng và tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn hơn 2 tỷ đồng.

Cần phải nhấn mạnh, cuối năm 2023 không phải thời điểm duy nhất Công ty Hòa Bình có ít tiền. Trước đó, tại ngày 31/12/2022, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty này cũng chỉ đạt 3,1 tỷ đồng.

Chính vì vậy, Công ty Hòa Bình rơi vào tình cảm âm dòng tiền. Hồi cuối năm 2023, Lưu chuyển tiền thuần trong năm của công ty này là âm 486 triệu đồng, giảm mạnh so với con số âm 3,2 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.

Quang Dân