Tham vọng lớn, cổ đông rút 45,5% vốn

Công ty TNHH Hòa Bình của ông Nguyễn Hữu Đường, người được biết đến nhiều với tên gọi Đường “bia” hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như bia, bất động sản cao cấp, bất động sản giá rẻ,…

Thậm chí, mới đây, ông Đường “bia” còn công khai tham vọng làm dự án đường cao tốc Gia Nghĩa– Chơn Thành trị giá hơn 25.000 tỷ đồng. Để góp phần thu hút nhà đầu tư hai bên tuyến đường cao tốc, ông Đường “bia” tuyên bố Công ty Hòa Bình sẽ tự bỏ chi phí đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng xã hội như xây dựng thêm nhà máy nước sạch dọc hai bên tuyến đường để phục vụ nhu cầu tăng cao.

Thế nhưng có một nghịch lý lớn đang xảy ra. Đó là khi công ty ngày càng có tham vọng lớn, cổ đông lại rút tới 40% vốn điều lệ.

Cụ thể, Công ty TNHH Hòa Bình thành lập ngày 21/4/1993 với người đại diện kiêm Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Hữu Đường. Từ ngày 6/4/2021, vốn điều lệ công ty tăng vọt từ 415 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ ngày 27/10/2022, vốn điều lệ công ty giảm tới 500 tỷ đồng, tương đương 45,5% xuống chỉ còn 600 tỷ đồng. Vốn góp của ông Đường “bia” giảm từ 524,48 tỷ đồng xuống chỉ còn 286,08 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu giữ nguyên ở mức 47,68%.

Các cổ đông còn lại cũng rút rất nhiều vốn góp. Sau điều chỉnh, vốn góp của Hợp tác xã Dân Chủ, đại diện Vũ Thị Tuyết Nhung chỉ còn 17,16 tỷ đồng (2,86%), vốn góp của Trần Việt Hùng còn 3 tỷ đồng (0,5%), Lê Văn Lựu còn 1,5 tỷ đồng (0,25%), Tạ Quốc Cường còn 1,5 tỷ đồng (0,25%), Bùi Kim Cương còn 1,5 tỷ đồng (0,5%), Thái Tiến Vượng còn 1,5 tỷ đồng (0,25%), Nguyễn Anh Tuấn còn 18,84 tỷ đồng (3,14%) và Vũ Thị Tuyết Nhung còn 268,92 tỷ đồng (44,82%).

Đáng chú ý, dù có tổng tài sản lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng tại thời điểm này, tổng số lao động của công ty được xác định là có… 9 người.

1 đồng vốn phải “cõng” 17 đồng nợ, nợ bảo hiểm 7 tháng

Trong khi vốn giảm mạnh, nợ lại có xu hướng tăng. Tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của Công ty Hòa Bình lên tới 10.818 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 10.259 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Nợ phải trả cao gấp 16,8 lần vốn. Hay nói cách khác, 1 đồng vốn của Công ty Hòa Bình phải “cõng” gần 17 đồng nợ. Đồng thời, nợ chiếm tới 94,4% tổng tài sản. Điều đó có nghĩa 94,4% tài sản công ty này được hình thành từ nợ.

Trong tổng nợ, vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên tới 37,5% tổng nợ (tương đương 4.055 tỷ đồng). Nợ vay cao gấp 6,3 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, Hòa Bình còn gánh thêm 145 tỷ đồng Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Đáng chú ý, dù nợ vay lên đến 4.200 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay trong năm 2023 của Hòa Bình chỉ là 0 đồng, giảm mạnh so với con số 6,4 tỷ đồng của năm 2022.

Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước hơn 8 tỷ đồng, không có nhiều thay đổi so với cuối năm 2022. Đồng thời, công ty ghi nhận chỉ tiêu Phải trả người lao động đạt 885 triệu đồng.

Có một khoản nợ đáng chú ý chính là hồi cuối năm 2023, Công ty Hòa Bình ghi nhận chỉ tiêu Phải trả khác về Bảo hiểm xã hội là 416 triệu đồng, tăng nhẹ so với 330 triệu đồng hồi cuối năm 2022 và 16,1 triệu đồng phải trả bảo hiểm y tế, 13,3 triệu đồng phải trả bảo hiểm thất nghiệp.

Chưa dừng lại ở đó, bước sang năm 2024, Công ty Hòa Bình tiếp tục nợ bảo hiểm của người lao động.

Mới đây, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội đã công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP Hà Nội đến tháng 3/2024.

Theo thông tin mới nhất này, thời gian nợ bảo hiểm của Công ty TNHH Hòa Bình đã tăng lên 7 tháng với tổng số nợ đạt 640 triệu đồng.

Quang Dân