Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến nay có tới 966 dự án đăng ký mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 4 tháng qua, với tổng vốn đăng ký hơn 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% về số dự án và tăng 73,2% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này thực sự rất đáng khích lệ trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn sau các tác động của đại dịch và biến động địa chính trị toàn cầu.

Ngoài vốn đăng ký mới, thì vốn tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều giảm so với cùng kỳ, tương ứng đạt 1,23 tỷ USD, giảm 25,6% và đạt gần 929,6 triệu USD, giảm 70,1%, nhưng đó chỉ là vấn đề mang tính thời điểm. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang có cái nhìn tích cực và lạc quan về điểm đến Việt Nam.

Chẳng hạn như Tập đoàn Hyosung. Sau 14 năm có mặt tại Việt Nam, Tập đoàn đã đầu tư tới hơn 4 tỷ USD vào các nhà máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Nam và Bắc Ninh. Cách đây ít lâu, cuối tháng 3/2024, Hyosung tiếp tục đầu tư một dự án 730 triệu USD, chuyên sản xuất sản phẩm sinh học tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Quyết định đầu tư nhà máy này nằm trong kế hoạch thích nghi với sự chuyển dịch của thị trường vật liệu toàn cầu, hướng đến các sản phẩm bền vững.

Ngoài ý nghĩa là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất đăng ký vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, dự án sản xuất sản phẩm sinh học của Hyoung cũng là sự biến chuyển đáng khích lệ về “chất”. Sản xuất sản phẩm sinh học là một trong những lĩnh vực được Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư.

“Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng, như sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic…, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng cũng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 4 tháng qua”, ông Đỗ Nhất Hoàng nói.

Samsung hàng năm vẫn đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD vào Việt Nam, còn năm ngoái là 1,2 tỷ USD. Trong khi đó, Lam Research, một trong những nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới, đang muốn mở nhà máy tỷ USD ở Việt Nam.

Uyên Uyên