Ngày 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4.
Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 4, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng nhiều so với tháng trước.
Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đã tiếp 337 lượt với 1.191 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 334 vụ việc và có 33 đoàn khiếu kiện đông người.
“So với tháng 3, tháng 4 tăng 91 lượt công dân, tăng 88 vụ việc và 20 lượt đoàn đông người”, ông Bình cho hay.
Báo cáo tổng hợp từ các địa phương cho thấy, các vụ việc liên quan đến các lĩnh vực: đất đai, nhất là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án; tài nguyên, môi trường; giao thông, xây dựng… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Đáng lưu ý, trong tháng 4, nổi lên 17 vụ việc khiếu kiện có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Với việc tiếp nhận, xử lý đơn thư của Quốc hội, ông Bình cho hay, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và xử lý được 2.346 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến; tăng 218 đơn so với tháng 3.
Qua nghiên cứu 297 đơn đủ điều kiện xử lý, các cơ quan của Quốc hội đã chuyển 178 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 75 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân.
Các cơ quan của Quốc hội nhận được 140 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền; hiện đang nghiên cứu 18 đơn, tiếp tục xếp lưu 26 đơn đã giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.
“Qua công tác xử lý đơn thư, đánh giá kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan có thẩm quyền đối với đơn thư đã chuyển, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã và đang tiến hành giám sát với 3 vụ việc”, Trưởng ban Dân nguyện thông tin.
Trước tình hình khiếu nại, tố cáo, kết quả tiếp dân, xử lý và giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chinh phủ, Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm 2 vụ việc phức tạp, kéo dài ở huyện Gia Lâm và huyện Thạch Thất.
Với 6 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người của các địa phương thường xuyên tập trung khiếu kiện đông người tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Ban Dân nguyện đề nghị chỉ đạo UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm vụ việc, nhất là vụ việc mới phát sinh.
Ban Dân nguyện cũng đề nghị chỉ đạo UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Định, Đăk Nông, Đồng Nai, Kon Tum, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Ninh và Thanh Hóa giải quyết dứt điểm vụ việc 17 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.
Các địa phương cần tổ chức tiếp, đối thoại các công dân, ban hành quyết định giải quyết (nếu còn thẩm quyền) hoặc tổ chức rà soát, rà soát lại nếu có căn cứ để giải quyết dứt điểm, theo ông Dương Thanh Bình.