Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Sơn La: Còn khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trần Kiên

Thứ sáu, 06/09/2024 - 12:55

(Thanh tra) - Thời gian qua, công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn tỉnh Sơn La có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu lớn của tỉnh. Tuy vậy, theo Thanh tra tỉnh Sơn La, qua thực tiễn công tác TCD, giải quyết KNTC còn phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Thanh tra tỉnh Sơn La. Ảnh: TK

Khó khăn, vướng mắc trong công tác TCD

Thanh tra tỉnh Sơn La cho biết, khó khăn, vướng mắc rất khó giải quyết trong công tác TCD là việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người KNTC, kiến nghị, phản ánh (KNPA). Trong thực tế, nhiều vụ việc đã được giải quyết rất nhiều lần, mặc dù đã được giải thích nhưng công dân vẫn tiếp tục đến các địa điểm TCD đề nghị gặp người đứng đầu trình bày ý kiến về vụ việc đã được giải quyết nhưng không cung cấp được thông tin, tình tiết mới, cố tình KNTC sai sự thật, dai dẳng, kéo dài, gây thiệt hại về thời gian, công sức, kinh phí của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Khó khăn nữa là việc quy định Ban TCD tỉnh và các huyện do Phó Chánh Văn phòng UBND phụ trách, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý Trụ sở TCD, nhiệm vụ là kiêm nhiệm, trong khi công việc của Văn phòng UBND khối lượng khá nhiều. Đối với Ban TCD cấp huyện, chỉ có một Trưởng ban mà không có Phó trưởng ban, nên gặp khó khăn, nhất là trong trường hợp Trưởng ban đi vắng.

Thực tiễn công tác TCD tại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện cơ bản không phát sinh KNTC, KNPA như Tư pháp, Văn hóa thông tin, Tài chính kế hoạch, Dân tộc. Tuy nhiên, theo quy định tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện đều phải tổ chức TCD, phải bố trí biên chế, kinh phí, các điều kiện làm việc, chế độ cho cán bộ làm công tác TCD.

Việc thực hiện TCD định kỳ của Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật TCD năm 2013 cũng rất khó thực hiện nếu như không có cơ chế ủy quyền cho cấp phó, bởi trong thực tế Thủ trưởng các ngành, các cấp phải giải quyết rất nhiều công việc, phải chỉ đạo, điều hành nhiều lĩnh vực quan trọng khác, có những công việc phải giải quyết ngay nhưng lại trùng vào ngày TCD định kỳ.

Trong tham mưu nhiệm vụ TCD, theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 thì nhiệm vụ TCD thuộc Thanh tra huyện, nhưng theo quy định Luật TCD lại do Văn phòng HĐND và UBND huyện trực tiếp quản lý... dẫn đến chưa thống nhất trong tham mưu thực hiện.

Khi nhiều người cùng KNTC, KNPA cùng một nội dung, theo quy định của Luật TCD năm 2013 thì người TCD yêu cầu phải cử đại diện để trình bày nội dung KNTC, KNPA với người TCD. Tuy nhiên, thực tế có công dân không muốn cử đại diện hoặc đã cử đại diện nhưng vẫn đề nghị được tiếp.

Do điều kiện còn khó khăn, một số UBND xã chưa bố trí phòng (địa điểm) TCD riêng mà bố trí chung với phòng làm việc của các bộ phận chuyên môn khác hoặc được bố trí lồng ghép tại bộ phận một cửa của UBND xã.

Một khó khăn nữa là hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể về xử lý các trường hợp người vi phạm nội quy TCD, do đó, khi công dân gây rối, cố tình không chấp hành quy định về TCD thì cán bộ TCD mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, thuyết phục.

Khó khăn, vướng mắc trong giải quyết khiếu nại

Cũng theo Thanh tra tỉnh Sơn La, trong thực tế thường gặp khó khăn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại.

Về thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại: Theo Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, nhưng trên thực tế có những vấn đề phát sinh từ rất lâu, đến nay công dân mới làm đơn khiếu nại, nhất là những khiếu nại về nhà, đất, chính sách xã hội có liên quan đến các thời kỳ trước đây. Hiện nay Luật Khiếu nại vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Khoản 6 Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định không thụ lý giải quyết đối với trường hợp thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lí do chính đáng, nhưng Luật Khiếu nại không quy định khái niệm "lí do chính đáng". Mặt khác, theo Công văn số 1644/TTCP-VP ngày 2/7/2012 của Thanh tra Chính phủ về việc xử lý các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài có hướng dẫn: “Đối với những vụ việc mà chưa được giải quyết do áp dụng quy định về thời hiệu khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục giải quyết để chấm dứt được các vụ việc KNTC đó”. Như vậy, đối với những vụ việc đã hết thời hiệu khiếu nại mỗi địa phương lại có cách áp dụng xử lý khác nhau, không thống nhất.

Về trình tự khiếu nại, trong thực tế nhiều trường hợp người khiếu nại do tâm lý nóng vội hoặc thiếu hiểu biết, không gửi đơn theo trình tự quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011, mà cùng lúc gửi đơn đến cả cơ quan hành chính cấp dưới, cấp trên và toà án, nếu cơ quan hành chính không xem xét, giải quyết hoặc chậm giải quyết thì toà án sẽ thụ lý, dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại.

Lãnh đạo huyện Mai Sơn tiếp công dân. Ảnh: Huyền Trang

Về thời hạn xử lý đơn: Điều 27, Điều 36 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định thời hạn ban hành thụ lý giải quyết khiếu nại là 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn. Tuy nhiên, trong thực tế có những đơn nội dung phức tạp, cần phải thời gian khảo sát hoặc thu thập thêm chứng cứ, tài liệu để có thể xử lý đơn được chính xác, xác định đúng thẩm quyền giải quyết.

Về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại: Tại Điểm d Khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định người khiếu nại có quyền được sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về kinh phí, hình thức sao chụp, được sao chụp bao nhiêu lần, có phải trả phí sao chụp hay không hoặc có được mang tài liệu đi để in sao hay không.

Luật Khiếu nại năm 2011 không quy định trong trường hợp người khiếu nại không thực hiện nghĩa vụ của người khiếu nại quy định tại Khoản 2 Điều 12 thì các cơ quan hành chính nhà nước có biện pháp xử lý cụ thể như thế nào.

Về đình chỉ giải quyết khiếu nại: Khoản 8 Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại khi người khiếu nại có đơn rút khiếu nại. Tuy nhiên, thực tế còn phát sinh các trường hợp khách quan khác cần tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết khiếu nại mà Luật Khiếu nại chưa quy định.

Cũng tại Khoản 8 Điều 11 Luật Khiếu nại quy định không thụ lý giải quyết khiếu nại trong trường hợp: “Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại”, quy định này đã tạo cơ hội cho người khiếu nại hành chính tuỳ tiện trong việc tiếp tục khiếu nại sau khi đã rút đơn, gây khó khăn và làm gia tăng áp lực công việc giải quyết khiếu nại hành chính.

Về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật: Khoản 2 Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định “Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày”; tuy nhiên Điều 42 Luật Khiếu nại quy định thời hạn khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án (thời gian quy định tại Điều 37 của Luật từ 45 ngày đến 70 ngày), như vậy có thể sẽ dẫn đến trường hợp đã thi hành Quyết định giải quyết khiếu nại xong người khiếu nại mới khởi kiện ra tòa.

Việc xử lý hành vi vi phạm các quy định pháp luật về khiếu nại theo quy định tại Điều 68 Luật Khiếu nại còn gặp còn lúng túng, khó khăn. Do hiện nay còn thiếu các quy định cụ thể để làm căn cứ xử lý vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại, như chưa quy định chế tài đối với người cố tình khiếu nại sai sự thật. Dẫn đến thực tế nhiều trường hợp công dân cố tình khiếu nại kéo dài, vượt cấp mặc dù đã được giải quyết lần hai và rà soát lại kết quả giải quyết lần hai phù hợp với quy định của pháp luật.

Khó khăn trong giải quyết tố cáo

Theo Thanh tra tỉnh Sơn La, trong thực tế địa phương còn gặp khó khăn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tố cáo.

Về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết, theo Điều 12 Luật Tố cáo năm 2018 chưa quy định thẩm quyền giải quyết đối với vụ việc nhiều người bị tố cáo ở nhiều cơ quan quản lý khác nhau nhưng cùng nội dung, vụ việc bị tố cáo.

Về thời hạn giải quyết tố cáo, Điều 30 Luật Tố cáo quy định “Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo”.  Thực tế có nhiều vụ việc tố cáo phức tạp, phải xác minh tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhiều địa phương, thì việc giải quyết tố cáo theo đúng thời hạn quy định gặp nhiều khó khăn, không khả thi, nhất là đối với các vụ việc phúc tạp, thời gian thụ lý trùng vào ngày nghỉ cuối tuần, trùng vào nghỉ lễ, nghỉ Tết.

Việc bảo vệ người tố cáo theo quy định Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018 cũng gặp khó khăn, vướng mắc, vì có thể việc tố cáo chưa thực sự có thể xâm hại đến đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo, nhưng khi có đơn yêu cầu của người tố cáo, người có thẩm quyền, trách nhiệm vẫn phải quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ. Luật cũng chưa có quy định cụ thể về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc bảo vệ người tố cáo.

Việc xử lý hành vi vi phạm của người tố cáo theo quy định tại Điều 65 Luật Tố cáo năm 2018 còn gặp nhiều khó khăn, nhất là người tố cáo không phải là cán bộ, công chức, viên chức. Pháp luật hiện nay còn chưa quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tố cáo. Vì vậy, các cơ quan giải quyết các vụ việc tố cáo còn lúng túng, khó khăn khi xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về tố cáo.

Về thời hiệu tố cáo, thực tế hiện nay có nhiều tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra từ lâu (trên 5 năm), không còn gây nguy hại cho cơ quan, tổ chức, xã hội, nhưng cơ quan nhà nước vẫn phải thụ lý và xem xét, giải quyết lại. Điều này gây tốn kém, lãng phí trong quá trình giải quyết tố cáo, khó khăn cho việc xác minh…

Thanh tra tỉnh Sơn La cho biết, từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng thực tế các quy định của pháp luật về TCD, giải quyết KNTC, địa phương đã có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật TCD năm 2013, Luật Khiếu nại 2011 và Luật Tố cáo 2018./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm