Kết luận thanh tra của Sở NN&PTNT đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót.

Trong công tác tiếp công dân, đơn vị chưa bố trí phòng tiếp công dân riêng (việc tiếp công dân được bố trí chung với hội trường của đơn vị) là chưa đúng quy định; chưa ban hành nội quy tiếp công dân; chưa ban hành quy chế tiếp công dân tại phòng tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013.

Quá trình giải quyết khiếu nại còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót.

Tổ xác minh chỉ yêu cầu người bị khiếu nại là ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Trưởng ban viết bản tường trình, chưa có biên bản làm việc trực tiếp với ông Hòa để làm rõ vụ việc theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Thời gian xác minh bằng với thời gian giải quyết khiếu nại là chưa đúng quy định của Luật Khiếu nại 2011. Tổ xác minh khiếu nại làm việc chung với người khiếu nại và người bị khiếu nại để tiến hành xác minh, làm rõ đơn khiếu nại là chưa đúng quy định.

Đơn vị giải quyết đơn thư chưa đúng quy trình, quy định của Luật Tố cáo và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.

Qua làm việc, mặc dù đơn vị đã vận động người tố cáo hòa giải để rút tố cáo. Tuy nhiên, quá trình giải quyết đã để lộ lọt danh tính người tố cáo, vi phạm khoản 3, Điều 8 Luật Tố cáo, vì mời người tố cáo và người bị tố cáo làm việc chung; không yêu cầu người tố cáo thể hiện việc rút toàn bộ nội dung tố cáo bằng đơn rút tố cáo theo quy định.

Trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm, đơn vị ghi số công văn đi không đúng quy định, vì số thứ tự văn bản cơ quan, tổ chức ban hành trong 1 năm được đăng ký tại văn thư cơ quan theo quy định.

Chưa thực hiện công tác tự kiểm tra nội bộ về phòng, chống tham nhũng theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT tại Công văn số 2405/SNN-TT ngày 13/8/2019.

Đối với việc sửa chữa xe ô tô, thiếu ý kiến của cơ quan chuyên ngành về việc đánh giá hiện trạng tài sản cần sửa chữa theo quy định tại Công văn số 3290/UBND-TH ngày 4/9/2019 của UBND tỉnh về việc phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành khi thực hiện trình chủ trương sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất các cơ quan, đơn vị từ nguồn kinh phí thường xuyên.

Một số hồ sơ thanh toán không đúng theo quy định như: Phụ cấp công tác phí vượt định mức, khoán điện thoại di động không đúng đối tượng với tổng số tiền tiền 28,3 triệu đồng.

Đối với khoán bảo vệ rừng theo Nghị quyết số 17/2011/NQ-HĐND ngày 14/12/20211 của HĐND tỉnh (nay là Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 18/11/2022 của HĐND tỉnh), các hợp đồng khoán và danh sách chi trả tiền công nhận khoán, đơn vị ghi tên nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy là chưa phù hợp; biên bản nghiệm thu giao khoán bảo vệ rừng chưa đảm bảo các thành phần.

Từ những hạn chế, thiếu sót nêu trên, Sở NN&PTNT đề nghị Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy tiếp tục phát huy những mặt làm được; đồng thời cần chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

Chấn chỉnh công tác mua sắm tài sản công, sửa chữa xe ô tô... đảm bảo đúng quy trình, quy định; chấn chỉnh công tác lập hồ sơ và phương thức khoán bảo vệ rừng thực hiện theo đúng quy định. Việc ban hành văn bản đi, số của văn bản phải được ghi bằng chữ số Ả rập không ghi số và kèm theo ký tự a, b.

Căn cứ khoản 8 Điều 65 Luật Ngân sách Nhà nước 2015, đề nghị đơn vị nộp ngân sách Nhà nước số tiền 28,3 triệu đồng với nội dung thanh toán phụ cấp công tác phí vượt định mức 300 ngàn đồng, thanh toán khoán điện thoại di động 28 triệu đồng.

Đồng thời, đề nghị Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy nghiêm túc triển khai thực hiện các kiến nghị; kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và các cá nhân, bộ phận tham mưu đối với một số hạn chế, thiếu sót.

Thu Huyền