Tại buổi tiếp xúc, cử tri có đất bị thu hồi phục vụ việc xây dựng Dự án Vành đai 3 TP HCM đoạn qua TP Thủ Đức đã nêu ra nhiều vấn đề, kiến nghị liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ.

Ông Trần Kiến Thức (ngụ tại phường Phước Bình, TP Thủ Đức) cho biết, gia đình có đất ở mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh (thửa 31, tờ bản đồ số 36, phường Trường Thạnh, vị trí 1 mặt đường Nguyễn Duy Trinh) bị thu hồi đất để thực hiện Dự án Vành đai 3 TP HCM. Quá trình thực hiện xác định giá bồi thường, ông không được tiếp cận và nhận chứng thư thẩm định giá cũng như là hồ sơ căn cứ để xác định giá thị trường và cũng không biết pháp nhân của công ty tiến hành việc thẩm định giá đất.

"Chúng tôi chỉ nhận được quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Chúng tôi mong muốn nhận được chứng thư thẩm định giá", ông Thức nói.

Ông Thức đề nghị xem xét lại việc áp dụng hệ số K vì hệ số K áp dụng cho vị trí 1 (mặt tiền đường) hiện là vô lý. Vì lô đất của ông nằm ngoài mặt đường (vị trí 1) mà hệ số K lại chỉ là 17, trong khi những lô đất nằm trong hẻm nhỏ lại được nhân hệ số K là 22, thậm chí những lô đất không có đường vào lại được nhân hệ số K là 25. Hiện chính quyền chưa giải đáp cho người dân thỏa mãn tiêu chí gì để áp dụng hệ số K như vậy…

leftcenterrightdel
Ông Lương Ngọc Lâm trình bày ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Nam Hà 

Ông Lương Ngọc Lâm (đại diện ủy quyền của bà Lê Thị Thanh Tú) có đất tại địa chỉ 104 đường Nguyễn Duy Trinh (thuộc thửa đất số 21, 22 tờ bản đồ số 36 tài liệu địa chính 2003 phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) cho biết, gia đình tuyệt đối ủng hộ chính sách, chủ trương của Nhà nước về việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 TP HCM. Tuy nhiên, theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chỉ được bồi thường hơn 7,6 triệu đồng/m2 đất trồng cây lâu năm (bằng 1/10 giá đất thổ cư) là bất hợp lý. Vì vậy, ông đề nghị xem xét lại vấn đề này.

“Tôi đề nghị cần xem xét công khai việc thẩm định giá của các hộ có đất ở vị trí 1 (mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển…) vì mức giá đất nông nghiệp mà chính quyền đưa ra chỉ bằng 1/4 giá mà các đơn vị thẩm định giá độc lập đưa ra (người dân thuê đơn vị thẩm định giá độc lập, xác định mức giá đất nông nghiệp nằm mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh là 34,5 triệu đồng/m2). Như vậy, mức giá mà chính quyền đưa ra và mức giá mà đơn vị thẩm định giá độc lập đưa ra là không giống nhau. Vì thế tôi đề nghị xem xét công khai chứng thư thẩm định giá phục vụ áp giá đền bù. Lý do gì mà lại đưa ra mức giá lại thấp như vậy?” ông Lâm trình bày ý kiến.

Ông Lâm cũng cho biết, đây không phải lần đầu yêu cầu công khai chứng thư thẩm định giá mà trong nhiều cuộc họp tại UBND phường Trường Thạnh đã nêu ra vấn đề này. Thậm chí, không phải chỉ một mình ông có ý kiến mà còn nhiều người dân đều có mong muốn như vậy.

Bên cạnh đó, ông Lâm cũng đặt vấn đề: Vì sao trên cùng một trục đường, cùng một dự án, cùng một chính sách, cùng một nguồn vốn, nhưng giá bồi thường đất trồng cây lâu năm (đất nông nghiệp) tại TP HCM lại bằng 1/3 đến 1/4 của tỉnh Bình Dương. Xét về mặt vị trí thì đất ở TP HCM lợi thế hơn nhiều so với đất tại tỉnh Bình Dương… Vấn đề này cũng cần được xem xét lại…

Ông Bùi Thanh Tuấn (phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) có ý kiến: "Đợt tiếp xúc cử tri hồi tháng 10, tôi đã phát biểu vấn đề liên quan đến đền bù đất mặt tiền đường liên quan đến Vành đai 3, lãnh đạo TP Thủ Đức đã tiếp thu, lắng nghe ý kiến của người dân nhưng đến nay chúng tôi chưa thấy TP Thủ Đức có động thái nào đối với vấn đề chúng tôi nêu ra".

Vấn đề đền bù, thu hồi đất của dân để thực hiện Dự án Vành đai 3 là thực hiện theo chủ trương của Nhà nước, là vấn đề công khai, minh bạch. Vì vậy đề nghị công khai chứng thư thẩm định giá… Đây là việc làm minh bạch để đảm bảo quyền lợi của dân thì tại sao không công khai? Chúng tôi mong các ĐBQH làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của người dân…

leftcenterrightdel
ĐBQH Vũ Hải Quân phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Nam Hà 

Tại buổi tiếp xúc cử tri, ĐBQH Vũ Hải Quân và Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng đều ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của người dân phản ánh đơn giá bồi thường; công khai, minh bạch chứng thư thẩm định giá; vấn đề giá bồi thường đất nông nghiệp của Bình Dương cao hơn giá của TP HCM trong Dự án Vành đai 3 mặc dù trên cùng một con đường…

Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng hứa sẽ chuyển những ý kiến này đến Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các bộ phận có liên quan…

ĐBQH Vũ Hải Quân cho biết: Chúng tôi đã thông tin đến lãnh đạo TP HCM những ý kiến, kiến nghị của người dân có đất bị thu hồi phục vụ Dự án Vành đai 3 TP HCM, đề nghị người dân có văn bản thể hiện chính kiến của mình gửi cho chúng tôi. Có đơn của người dân, chúng tôi sẽ chuyển trực tiếp cho lãnh đạo và sẽ có trách nhiệm theo dõi, giám sát.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Lương Ngọc Lâm cho rằng, qua báo chí, phương tiện truyền thông tôi được biết, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi từng nói rằng sẽ vận dụng tất cả cơ chế để bồi thường cho dân khá hơn. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cũng từng phát biểu mong muốn cho dân được bồi thường cao hơn, sát với giá thị trường. TP Thủ Đức đã thành lập 6 tổ công tác đặc biệt để giải quyết từng hồ sơ của người dân. Vậy lời nói của 2 vị lãnh đạo này đã thực hiện được đến đâu?

“Việc bồi thường Vành đai 3 TP HCM còn dư tới 7.200 tỷ đồng. Theo cá nhân tôi, tiền bồi thường dự án còn dư, TP HCM và người dân muốn sớm có một con đường đẹp nhưng chính sách bồi thường cho các hộ dân mặt tiền đường trong đó có tôi bị thiệt thòi khi giải phóng mặt bằng là điều rất không nên. Người dân cần một cơ chế, chính sách, từ phía lãnh đạo TP HCM và Thủ Đức để hài hoà được lợi ích chung giữa người dân và chính quyền TP để họ sớm bàn giao đất thực hiện dự án…”,  ông Lâm cho biết.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Nam Hà