Cùng một vị trí nhưng giá đền bù tại TP HCM và Bình Dương lại chênh lệch rất lớn

Bà Lê Thị Thanh Tú có hơn 5.800m2 đất nông nghiệp bị thu hồi (đất nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) cho biết, việc thu hồi đất để thực hiện Dự án Vành Đai 3 TP HCM, đoạn qua TP Thủ Đức đã gây nhiều bức xúc đối với người dân có đất (đất nông nghiệp) nằm tiếp giáp mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, do giá đền bù quá thấp. Thậm chí, khi so sánh giá đền bù đất nông nghiệp ở cùng một vị trí, cùng một con đường (đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình), bên này đường thuộc địa phận TP HCM thì chỉ được đền bù với mức giá hơn 7,6 triệu đồng/m2, nhưng ở bên đối diện thuộc địa phận tỉnh Bình Dương thì lại được đền bù với mức giá hơn 16,7 triệu đồng/m2.

Đối với đất ở đô thị, ở cùng một vị trí, cùng đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, bên này đường thuộc địa phận TP HCM thì được đền bù với mức giá gần 70 triệu đồng/m2, nhưng ở bên đối diện thuộc địa phận tỉnh Bình Dương thì chỉ được đền bù với mức giá hơn 33,4 triệu đồng/m2. Đây là những bất cập trong việc tính giá đền bù đất giữa 2 địa phương là TP HCM và tỉnh Bình Dương, khiến nhiều người dân sống tại mặt tiền đường Nguyễn Xiển (khu vực giáp ranh 2 địa phương) đều tỏ ra bức xúc trước cách tính thiếu công bằng cho người dân.

Đối với phần đất của mình bị thu hồi, bà Lê Thị Thanh Tú cho biết, khu đất của bà nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh. Tuy nhiên, theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án nói trên, thì mức giá bồi thường, hỗ trợ là quá thấp. Hiện, mức giá bồi thường, hỗ trợ mà gia đình bà được hưởng là 7,6 triệu đồng/m2. Với mức giá này, gia đình bà bị thiệt hại nhiều tỷ đồng...

“Việc áp dụng hệ số K đối với từng loại đất, từng khu vực đất là chưa hợp lý. Đất ở mặt tiền các đường lớn hiện hữu hệ số K thấp hơn đất nằm sâu bên trong, đất không tiếp giáp đường, là điều không thể chấp nhận được… Tôi đề nghị UBND TP Thủ Đức xem xét, điều chỉnh hệ số K làm sao để nâng giá trị đền bù cho những người dân có đất nông nghiệp nằm tiếp giáp đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển. Chứ với mức giá như hiện nay thì là quá thấp”, bà Tú cho biết.

leftcenterrightdel
 Phần đất của gia đình bà Lê Thị Thanh Tú chỉ được áp giá đền bù 7,6 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp... Ảnh: Nam Hà

Cần xem xét lại cách tính giá đất bồi thường

Ông Phan Đình Tâm (một người dân có hơn 4.000m2 đất bị thu hồi, đã nhận xong tiền đền bù) nói: Cá nhân tôi là một trong số những người đầu tiên nhận tiền đền bù, hỗ trợ do có đất bị thu hồi bởi Dự án Vành đai 3. Giá đền bù đối với đất của tôi, tôi không có ý kiến gì. Tuy nhiên, đối với những hộ có đất tiếp giáp mặt tiền đường lớn như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, cơ quan chức năng cần xem xét lại giá đền bù, hỗ trợ, vì với giá hiện tại đất trồng cây lâu năm hơn 7,6 triệu đồng/m2 là chưa sát thực tế so với thị trường. 

leftcenterrightdel
Tổng hợp một số ý kiến của người dân liên quan tới giá đền bù Dự án Vành đai 3 TP HCM và phần trả lời của Chủ tịch UBND TP Thủ Đức tại buổi tiếp xúc cử tri, sáng ngày 11/10/2023. Clip: Nam Hà

Sáng ngày 11/10/2023 vừa qua, Tổ Đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị số 1, TP Thủ Đức, TP HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri tại TP Thủ Đức trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Tại buổi tiếp xúc, nhiều người dân có đất bị thu hồi phục vụ Dự án Vành đai 3 TP HCM, đoạn qua TP Thủ Đức, đã trình bày những ý kiến, kiến nghị về giá bồi thường đất nông nghiệp tại các vị trí giáp mặt đường còn chưa hợp lý; việc áp giá đền bù tại các vị trí giáp ranh giữa TP HCM và Bình Dương có sự chênh lệch lớn, gây thiệt thòi cho người dân có đất bị thu hồi…

Đối với các ý kiến của người dân chưa đồng tình với cách tính giá đền bù đất nông nghiệp liên quan đến Dự án Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, khi triển khai dự án, đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Những vấn đề người dân đưa ra về đơn giá bồi thường đất nông nghiệp chưa phù hợp, chênh lệch giữa tỉnh Bình Dương và TP HCM, lãnh đạo UBND TP Thủ Đức đã nắm tình hình…

“Cá nhân tôi rất mong muốn có được giá bồi thường sát nhất với giá trị trường, tức là phải hợp lý. Chúng tôi cũng đặt mình vào vị trí, vai trò của người bị thu hồi đất thì chúng ta cũng rất mong muốn nó thỏa đáng để làm sao người dân, doanh nghiệp giảm đi thiệt hại và bất tiện khi phải di dời nhà cửa, rồi tái ổn định cuộc sống”, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng chia sẻ với người dân tại buổi tiếp xúc.

Liên quan tới giá bồi thường đất nông nghiệp để thực hiện Dự án Vành đai 3 ở TP Thủ Đức thấp hơn nhiều so với tỉnh Bình Dương, trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Bùi Thanh Tuấn (bị thu hồi hết hơn 841m2 đất trồng cây lâu năm, nằm vị trí 1, tiếp giáp mặt đường Nguyễn Duy Trinh, phường Trường Thạnh) cho biết, việc xác định giá đất nông nghiệp để bồi thường cho người dân, dù ở tỉnh Bình Dương hay ở TP HCM, thì cũng đều phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định.

“Việc trên cùng tuyến đường Nguyễn Xiển, cùng một vị trí nằm đối diện nhau, cùng là đất nông nghiệp, một bên là TP HCM thì chỉ được bồi thường 7,6 triệu đồng/m2, còn bên đối diện là tỉnh Bình Dương thì được bồi thường 16,7 triệu đồng/m2. Với giá đền bù như vậy thì rõ ràng quy trình, thủ tục thẩm định giá để xác định giá đền bù của cả tỉnh Bình Dương và TP HCM đều có vấn đề. Nếu TP HCM xác định là đã làm đúng thì chẳng lẽ tỉnh Bình Dương làm sai sao. Hoặc nếu tỉnh Bình Dương xác định là đã làm đúng thì chẳng lẽ TP HCM làm sai… Chính từ vấn đề này, tôi mong muốn chính quyền các địa phương cần thống nhất lại giá đền bù đối với những trường hợp như thế này để tránh làm ảnh hưởng tới quyền lợi, gây thiệt thòi cho người dân bị thu hồi đất…”, ông Tuấn chia sẻ.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Nam Hà