Đất nằm ở mặt đường lớn có hệ số K thấp hơn đất nằm trong hẻm

Dự án Vành đai 3 là dự án giao thông lớn nhất khu vực phía Nam, giúp kết nối nhiều tỉnh thành Đông Nam Bộ với chiều dài hơn 76km, đi qua 4 tỉnh, thành phố: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Tại TP HCM, dự án có chiều dài hơn 47km, đi qua các địa phương là TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Diện tích thu hồi đất để thực hiện dự án là khoảng 410ha với hơn 1.700 hộ dân bị ảnh hưởng.

Dự án đường Vành đai 3 TP HCM có 2 dự án thành phần, gồm dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2. Dự án thành phần 1 là xây dựng đường Vành đai 3… Dự án thành phần 2 là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Phường Trường Thạnh thuộc TP Thủ Đức là 1 trong 4 phường (Long Trường, Trường Thạnh, Long Thạnh Mỹ và Long Bình) bị ảnh hưởng bởi dự án. Đoạn đi qua địa bàn phường Trường Thạnh có quy mô, diện tích đất dự kiến thu hồi là khoảng 17,8ha (bao gồm cả đất sông, rạch, đất giao thông) với tổng số trường hợp bị ảnh hưởng là 141 hộ. Tính đến ngày 18/8/2023, đã có 105/141 hộ đồng thuận, đạt tỷ lệ 74,47%...

Ngày 26/4/2023, UBND TP Thủ Đức đã ban hành Quyết định số 4010/QĐ-UBND về việc phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án thành phần 2. Kèm theo quyết định này là Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư số 314/CSBT-HĐBT ngày 26/4/2023 (sau đây viết tắt là chính sách bồi thường) do Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án lập…

Theo chính sách bồi thường, tại phường Trường Thạnh, đất ở đô thị trên đường Nguyễn Xiển, vị trí 1 có giá bồi thường, hỗ trợ gần 70 triệu đồng/m2 với hệ số K là gần 26, vị trí 2 có giá 52,5 triệu đồng/m2 với hệ số K là 35; tại đường Nguyễn Duy Trinh, vị trí 1 có giá là 73,33 triệu đồng/m2 với hệ số K là hơn 17,4, vị trí 2 có giá gần 51,18 triệu đồng/m2 với hệ số K là 27…

Tương tự, với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, vị trí 1 (tiếp giáp đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh, Tam Đa) có giá 7,672 triệu đồng/m2 với hệ số K là gần 17,05; vị trí 2 (không tiếp giáp đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh, Tam Đa) có giá là 6,95 triệu đồng/m2 với hệ số K là hơn 19,3; vị trí 3 (không tiếp giáp đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh, Tam Đa) có giá là 6,38 triệu đồng/m2 với hệ số K là hơn 22,15…

leftcenterrightdel
Khu đất nằm ngay mặt đường Nguyễn Duy Trinh của gia đình ông Bùi Thanh Tuấn đã được xây dựng nhà xưởng từ nhiều năm trước, nhưng không được bồi thường công trình trên đất, chỉ được bồi thường đất trồng cây lâu năm với giá rất thấp, chỉ khoảng 7,6 triệu đồng/m2. Ảnh: Nam Hà

Kiến nghị xem xét lại chính sách bồi thường, hỗ trợ

Sau khi tiếp nhận chính sách bồi thường của UBND TP Thủ Đức, nhiều người dân có đất nằm ngay mặt đường Nguyễn Duy Trinh, đường Nguyễn Xiển (phường Trường Thạnh) đã vô cùng bất ngờ và bức xúc trước cách tính hệ số K của Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… vì cho rằng, với cách tính hệ số K như vậy đã làm ảnh hưởng rất lớn tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Ông Bùi Thanh Tuấn (bị thu hồi hết hơn 841m2 đất trồng cây lâu năm, nằm vị trí 1 đường Nguyễn Duy Trình, phường Trường Thạnh; thửa đất số 502, tờ bản đồ số 36) cho biết, gia đình hoàn toàn ủng hộ chủ trương thực hiện dự án đường Vành đai 3 của TP HCM. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hộ dân có nhà, đất bị thu hồi để thực hiện dự án còn nhiều bất cập, khiến người dân không chấp nhận.

“Khu đất nhà tôi nằm ngay mặt tiền đường và đã xây dựng nhà xưởng cho thuê từ nhiều năm qua. Đó là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuy nhiên, theo chính sách bồi thường thì đơn giá không bám sát giá thị trường. Hiện tại giá đất mặt tiền khu vực nhà tôi bị giải tỏa đang giao dịch ở mức trên dưới 100 triệu đồng/m2. Với mức giá bồi thường, hỗ trợ mà gia đình tôi được hưởng là 7,6 triệu đồng/m2 (với hệ số K là gần 17,05) thì gia đình chỉ nhận được khoảng 6,4 tỷ đồng, thấp hơn nhiều lần mức giá đang giao dịch trên thị trường…”, ông Tuấn bức xúc.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng việc áp dụng hệ số K đối với từng loại đất, từng khu vực như hiện này là chưa phù hợp. Không thể có chuyện đất ở mặt tiền các đường lớn hiện hữu hệ số K lại thấp hơn đất nằm sâu bên trong, đất không tiếp giáp đường. Đây là điều vô lý và không phù hợp thực tế. Giá đền bù đối với đất tiếp giáp mặt đường lớn cần phải tính gấp vài lần so với đất ở trong vùng sâu xa, ngõ hẻm hoặc đất không có lối đi vào…

leftcenterrightdel
 Khu đất rộng hơn 3.600m2 của gia đình ông Lê Minh Thắng nằm ngay mặt đường Nguyễn Xiển, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức. Ảnh: Nam Hà

Tương tự, ông Lê Minh Thắng (bị thu hồi hơn 3.600m2 đất tại địa chỉ số 200 đường Nguyễn Xiển, phường Trường Thạnh) cho biết, trong hơn 3.600m2 đất bị thu hồi có 108m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Giá đền bù đất thổ cư là hơn 69 triệu đồng/m2 nhưng đất trồng cây lâu năm chỉ 7,6 triệu đồng/m2 là quá thấp. "Chúng tôi thấy sự chênh lệch quá lớn giữa đất thổ cư và đất nông nghiệp (chênh lệch hơn 60 triệu đồng/m2). Trong khi đó, tiền thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm) lên đất thổ cư chỉ 2,7 triệu đồng/m2. Như vậy, người dân có đất nông nghiệp bị thiệt thòi quá lớn, dù đất nông nghiệp đó nằm cùng tờ bản đồ, cùng thửa đất, sát ranh, cùng mặt tiền với những khu đất thổ cư".

Thậm chí, để chứng minh giá đền bù đất nông nghiệp quá thấp, gia đình ông Thắng yêu cầu một đơn vị thực hiện thẩm định giá khu vực đất của ông. Theo đó, tại Chứng thư thẩm định giá số 007A/BĐS.23PNVC ngày 4/5/2023 của Công ty Tư vấn và Thẩm định giá Phương Nam, số diện tích đất trồng cây lâu năm còn lại sau khi đã giải tỏa làm dự án đường Vành đai 3 của gia đình ông Thắng có giá hơn 33,3 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, ông Thắng cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét lại hệ số K sao cho phù hợp với thực tế. Không thể đất nằm ngoài mặt đường thì hệ số K lại thấp hơn đất nằm sâu trong hẻm, đất không có lối đi. Vì thực tế, giá đất giữa mặt tiền đường và trong hẻm đã cao hơn từ 3 tới 5 lần, thậm chí có chỗ còn cao gấp 12 tới 15 so với khu vực vùng sâu, vùng xa, đường vào nhỏ hẹp…

Ông Phan Duy Đệ (con ông Phan Văn Hiếu, bị thu hồi hơn 465m2 đất trồng cây lâu năm, nằm vị trí 1 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Trường Thạnh) cũng bức xúc trước các tính giá bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đường Vành đai 3 vì giá quá thấp.

Ông Đệ cho rằng, đất của ông là đất trồng cây lâu năm, nằm ngay mặt đường Nguyễn Duy Trinh nhưng chỉ được bồi thường khoảng 7,6 triệu đồng/m2. Trong khi nếu là đất thổ cư cùng vị trí thì lại được bồi thường hơn 70 triệu đồng/m2 . Điều này là quá bất hợp lý, gây thiệt thòi cho người bị thu hồi đất…

Ngoài ra, còn nhiều người dân có đất bị thu hồi cũng chỉ ra mức giá đền bù đất trên cùng tuyến đường Nguyễn Xiển nhưng ở TP Thủ Đức thì lại thấp hơn nhiều lần so với tỉnh Bình Dương. Cụ thể, theo Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 22/5/2023 của UBND tỉnh Bình Dương, đất nông nghiệp trên tuyến đường này là hơn 16,7 triệu đồng/m2, đất thổ cư hơn 33,4 triệu đồng/m2. Chẳng lẽ mức giá bồi thường tại TP HCM lại không bằng mức giá bồi thường tại tỉnh Bình Dương?

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Nam Hà