Nhân chứng và những người ký vào “hồ sơ thương binh” của ông Dũng nói về vụ việc

 Vừa qua, Báo Thanh tra nhận được đơn tố cáo của ông Võ Xuân Hồng (thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) tố cáo vợ chồng Lê Thanh Dũng (71 tuổi) và bà Nguyễn Thị Kinh (67 tuổi, vợ ông Dũng, cùng quê xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, hiện đang ngụ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) về hành vi “khai man”, làm giả hồ sơ để trục lợi tiền chính sách thương binh.  

Ông Hồng cho biết, đã trực tiếp đứng tên trong đơn tố cáo vợ chồng ông Dũng có hành vi “khai man”, làm giả hồ sơ để trục lợi tiền chính sách thương binh gần 40 năm nay, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 1 tỷ đồng.  

Đơn thư tố cáo của ông Hồng đã gửi tới nhiều cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Bình Định, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ LĐ-TB&XH, Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.... nhưng vẫn chưa có kết quả. Nay ông Hồng tiếp tục đứng tên trong đơn tố cáo gửi Báo Thanh tra với mong muốn tiếp tục làm sáng rõ vụ việc và không cần phải giấu tên ông trên mặt báo. 

Nội dung đơn tố cáo của ông Hồng nêu rõ: Ông Dũng và bà Kinh không tham gia kháng chiến, bị thương nhưng đã khai man hồ sơ để hưởng chế độ chính sách thương binh của Nhà nước.

Nhằm làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã làm việc với người dân là “nhân chứng” ở xã Hoài Sơn, trong đó có nhiều người nguyên là cán bộ xã Hoài Sơn đã từng ký, xác nhận cho vợ chồng ông Dũng “hoàn tất hồ sơ” nhận chế độ chính sách thương binh.

leftcenterrightdel
Đơn tố cáo của ông Võ Xuân Hồng. Ảnh: Nguyên Dũng 

Ông Võ Hồng Thái (70 tuổi, ngụ thôn Cẩn Hậu, xã Hoài Sơn) cho biết, ông nguyên là Chính trị viên xã Đội xã Hoài Sơn.

Theo ông Thái, từ năm 1967-1972, ông Dũng không tham gia du kích và không đảm nhận chức vụ, công việc gì cho cách mạng, cho kháng chiến chống Mỹ.

“Trong hồ sơ thương binh, ông Dũng khai có tham gia cách mạng và bị thương vào tháng 3/1972 là hoàn toàn không đúng sự thật. Vì vào thời điểm ấy thì xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, nay là thị xã Hoài Nhơn) đã hoàn toàn giải phóng rồi”, ông Thái nói.

Cũng theo ông Thái, những năm 1967-1972, nhà ông ở sát nhà ông Dũng nên quá trình lớn lên, công việc của nhau thì ông rất rõ.

“Vào năm 1967, khi ấy mới 14-15 tuổi, trong một lần đi lượm đồ hộp của Mỹ để ăn thì ông Dũng vô ý tự làm mình bị thương ở đùi khi sử dụng thuốc bồi hay còn gọi là thuốc TNT. Còn về vết thương ở cánh tay thì vào năm 1968, khi đang ở nhà, ông Dũng và mẹ ông bị trúng đạn lạc của Mỹ. Ông Dũng bị thương ở tay và còn mẹ ông bị thương nặng ở chân. Nguyên nhân bị thương là vậy chứ không phải tham gia chiến tranh, bị thương vào năm 1972 như trong hồ sơ”, ông Thái lý giải thêm.

Ông Trần Văn Học (69 tuổi, ngụ thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn) cho biết, những năm 1971-1972, ông tham gia đội du kích thôn Hy Văn và không biết cụ thể trường hợp bị thương của ông Dũng. 

leftcenterrightdel

Nhiều người dân tại xã Hoài Sơn mong rằng cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc có hay không việc vợ chồng ông Dũng có “khai man” hồ sơ để trục lợi chế độ thương binh. Ảnh: Bảo Trân

Trong 3 năm từ 1973- 1975 ông Học tham gia du kích xã Hoài Sơn và đến năm 1977 thì làm Phó ban Trợ lý tác chiến Huyện đội Hoài Nhơn.

“Vào năm 1985, lúc ấy tôi đang làm Bí thư Đoàn xã thì ông Dũng có mang hồ sơ tới bảo tôi chứng cho ông ấy làm giấy làm thương binh, bị thương vào tháng 3/1972. Tôi nói, năm 1972 tôi đang làm du kích thôn và năm cuối năm 1974 tôi mới làm du kích xã thì làm sao chứng cho ông ấy bị thương vào tháng 3/1972 được.  Nhưng ông ấy đã buộc tôi viết và ký vào hồ sơ theo ý của ông ấy. Tôi buộc phải làm theo nếu không tôi sẽ bị gây rắc rối vì lúc ấy ông Dũng là Bí thư Đảng ủy xã, cấp trên của tôi”, ông Học nói.

Ông Lê Bá Chuẩn (72 tuổi, ngụ thôn An Hậu, xã Hoài Sơn) cho biết, từ năm 1984-1986, ông làm Trưởng ban Thương binh và Xã đội xã Hoài Sơn.

“Trong thời gian này, tôi nhận được nhiều ý kiến tố cáo 2 vợ chồng ông Dũng, bà Kinh làm thương binh giả. Trong 1 lần đại hội Đảng, tôi đã đưa ý kiến tố cáo này ra trước đại hội và sau đó ông Dũng dọa đuổi việc tôi. Vì bức xúc quá nên tháng 12/1986, tôi làm đơn xin nghỉ việc. Còn về phần bà Kinh, tôi ở cùng thôn với bà ấy nên biết rất rõ. Trước đây bà ấy có đi học y tá nhưng không bị thương do bom B52 lúc phục vụ chiến tranh như trong hồ sơ thương binh khai. Đó hoàn toàn là khai man”, ông Chuẩn nói.

Ông Bùi Long Thạnh (73 tuổi, ngụ thôn Hy Tường, xã Hoài Sơn) cho biết, vào năm 1985 ông Thạnh làm Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn nhưng không ký gì trong hồ sơ “thương binh” của ông Dũng để gửi cơ quan chức năng cấp trên. “Vì tôi không biết gì về quá trình ông Dũng bị thương nên tôi không ký”, ông Thạnh nói.

Ông Lê Đình Liệu (73 tuổi, ngụ thôn An Hội, xã Hoài Sơn) cho biết, vào năm 1985, lúc ông Dũng làm Bí thư Đảng ủy xã Hoài Sơn thì ông Liệu làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã. “Lúc này, dù nghi ngờ hồ sơ của ông Dũng là khai man nhưng vì nhiều cán bộ xã cấp dưới ký cả rồi nên tôi cũng ký theo”, ông Liệu nói.

Ông Võ Xuân Hồng (73 tuổi, người ký đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng) nói: “Không chỉ làm hồ sơ khai man cho bản thân mà ông Dũng còn làm hồ sơ khai man cho cả vợ là bà Nguyễn Thị Kinh nhằm nhận chế độ thương binh của Nhà nước. Chồng hưởng sai chế độ thương binh 41%, vợ hưởng sai chế độ thương binh 21% từ gần 40 năm nay, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 1 tỷ đồng. Mong các cấp có thẩm quyền làm sáng tỏ”.

Cơ quan chức năng nói gì?

Ông Võ Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn cho biết, sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Võ Xuân Hồng, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các cơ quan chức năng liên quan về tại địa phương này để xác minh, làm rõ vụ việc.

“Sau khi làm việc, đoàn công tác cho biết, từ các nhân chứng ký trong hồ sơ và nguồn thông tin ngoài hồ sơ thì vợ chồng ông Dũng có bị thương, có vết thương nhưng có tham gia kháng chiến không và vì sao bị thương, thời gian bị thương, tỷ lệ thương tật ra sao thì cần phải xác minh lại. Đặc biệt về thời gian bị thương thì nhiều điểm chưa khớp. Hiện hồ sơ gốc của vợ chồng ông Dũng, bà Kinh đã chuyển vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để xử lý”, Kiên nói. 

Ông Diệp Văn Thương, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Hoài Nhơn cho biết, đã tiếp nhận hồ sơ và nắm thông tin về vụ việc.

“Nhưng người tố cáo và người bị tố cáo hiện đã chuyển vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sinh sống. Hiện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cử cán bộ ra đây làm việc nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng”, ông Thương nói.   

leftcenterrightdel

Văn bản trả lời đơn thư của Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao liên quan đến vụ việc. Ảnh: Nguyên Dũng

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cho biết: Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm trưởng đoàn công tác đã ra tỉnh Bình Định để xác minh đơn tố cáo của ông Hồng.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định có phối hợp hỗ trợ đoàn công tác. "Xác minh xong rồi nhưng hiện chúng tôi chưa nhận được kết quả. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ”.

Cùng diễn biến về vụ việc, vừa qua, Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có Văn bản số 2394/VKSTC-C1 (P1) trả lời đơn thư tố cáo của ông Võ Xuân Hồng. Văn bản nêu rõ: Cơ quan Điều tra của Viện kKiểm sát Nhân dân Tối cao nhận được đơn tố cáo của ông với nội dung tố cáo ông Lê Thanh Dũng, vợ là Nguyễn Thị Kinh, địa chỉ số 225/1 đường Võ Thị Sáu, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cấu kết với các cán bộ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định và các cán bộ của các sở, ban, ngành khác của tỉnh Bình Định tạo dựng hồ sơ thương binh giả để hưởng chế độ chính sách người có công.

Xét thấy, nội dung đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Vì vậy, Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trả lại đơn và hướng dẫn ông gửi đơn đến Công an tỉnh Bình Định để được giải quyết.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

 

CTV Bảo Trân - Nguyên Dũng