DA phố đi bộ phía Đông đầm Lập An có tổng mức đầu tư 172 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xây dựng là 110 tỷ đồng; được khởi công vào tháng 1/2019, do Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (BQL) làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty (Cty) Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông Thừa Thiên Huế. Đơn vị thi công là liên doanh các nhà thầu: Cty TNHH Thương mại và Xây dựng Long Đại Thịnh (đóng tại Đà Nẵng); Cty Cổ phần 1/5, Cty TNHH Xây dựng Đồng Tâm, Cty Cổ phần Thành An (đều đóng tại TP Huế) và Cty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đạt (Quảng Bình).

DA có tổng chiều dài các tuyến đường là 3,4km, trong đó nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Văn (chạy dọc đầm Lập An) dài 3km. Phần vỉa hè bên phải tuyến đường Nguyễn Văn xây dựng mới 10.000m2, lát gạch terrazo. Lan can loại 2 dài 0,7km bằng bê tông cốt thép, tay vịn, trụ và tấm lam thi công lắp ghép. Lan can loại 1 dài 2,3km, kết cấu đặt trên nền đường hiện hữu bên ngoài tận dụng gia cố mái bằng đá hộc đã thi công từ năm 2000, là hạng mục của đường Nguyễn Văn cũ.

Trên các tuyến đi bộ ngoài xây dựng các hạng mục còn trồng cây xanh bóng mát, hệ thống cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải, điện chiếu sáng và đèn trang trí; 5 điểm ngắm cảnh mở rộng phía đầm Lập An, hệ thống lan can dọc đầm bằng bê tông cốt thép. Trong đó, nhiều hạng mục phần xây dựng đã được nghiệm thu.

Mục đích của DA là nâng cấp dịch vụ du lịch, góp phần chỉnh trang đô thị Lăng Cô và khai thác, thu hút khách du lịch đến tham quan, tận hưởng không khí trong lành ở đầm Lập An; đồng thời, DA còn góp phần hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, chỉ sau đợt ảnh hưởng của cơn bão số 13, dù bão không đổ bộ trực tiếp địa phận vào Thừa Thiên Huế; nhưng công trình phố đi bộ này đã bị hư hỏng nghiêm trọng; gây bức xúc trong nhân dân ở Lăng Cô và huyện Phú Lộc.

Chúng tôi vừa có mặt và ghi nhận dọc bên phải tuyến phố đi bộ DA trên xuất hiện nhiều điểm nền đường bị khoét hàm ếch, mặt bê tông vỡ vụn; lan can bị gãy đổ lộ cả lõi sắt thép bên trong. Dưới chân taluy của con đường xuất hiện hàng loạt điểm sụt lún khoét sâu vào lòng đường…

Lực lượng công nhân và phương tiện của các nhà thầu đang tranh thủ khắc phục hậu quả những điểm bị hư hỏng trên tuyến phố di bộ.

Người dân địa phương cho biết, bão số 13 vừa rồi, sức gió tại Lăng Cô chỉ ở mức khoảng cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11, gây sóng biển lớn. Song, một công trình được xây dựng ven biển đòi hỏi vững chắc, chịu gió bão cấp 10 - 12 hoặc hơn nữa; nhưng với sức gió trên đã hư hỏng nặng khiến người dân nghi ngờ về chất lượng công trình và năng lực của nhà thầu thi công.

"Đây là công trình ven đầm phá, ven biển nên việc thiết kế, thi công công trình phải bảo đảm chịu tác động của gió và sóng lớn của bão giật lớn và nước biển dâng cao. Tuy nhiên, cơn bão số 13 chỉ mới ảnh hưởng nhẹ mà công trình đã vỡ nát thì cần xem lại chất lượng", một người dân Lăng Cô bày tỏ.

Liên quan đến sự việc này, lãnh đạo BQL thông tin, ảnh hưởng của bão số 13 đã khiến công trình có những thiệt hại. Trong đó, lan can loại 1 hư hỏng 1,8km, chiếm 78%. Lề đường lót terrazzo hư hỏng 31.000m2, chiếm 31%. Mái taluy bằng đá hộc xây hư hỏng 2km, chiếm 67%. Tổng thiệt hại do công trình hư hỏng là 5 tỷ đồng. Hiện công trình trên đã thi công được 60% khối lượng.

Trả lời về tình trạng trên, phía chủ đầu tư cho rằng, do mục tiêu của DA là để tạo cảnh quan; lan can đường được thiết kế dựa trên các tiêu chí như an toàn cho người đi bộ, thẩm mỹ, mỹ quan công trình. Lan can không phải là hạng mục chịu được lực sóng kèm theo va đập của các vật trôi nổi do bão, sóng nên dẫn đến bị hư hại khi ảnh hưởng của bão. Công trình này nằm trong khu vực đầm nên đơn vị tư vấn xây dựng trên nền tảng không tính kết cấu hạ tầng chắn sóng, tiêu sóng hay chịu lực của hệ thống lan can...

Theo BQL, công trình bị hư hỏng là do thiên tai. Cụ thể, nước đầm dâng cao từ 0,5 - 0,8m so với mặt đường, kết hợp sóng vỗ mạnh cuốn theo các vật nổi như thuyền, bè gỗ, phao, củi gỗ nên làm hư hỏng lan can loại 1, đánh vỡ mái taluy đá hộc, xói trôi đất cát dưới lề đường tạo thành các hố sụp, xói lở hư hỏng lề đường.

Lý giải trên xem ra không ổn vì công trình này nằm sát đầm Lập An phải chịu mưa, chịu bão; trong khi hàng năm Thừa Thiên Huế là địa phương phải gánh chịu nhiều cơn bão, lũ lớn.

BQL cho biết thêm, các hạng mục  công trình đã được mua bảo hiểm nên phải giữ hiện trường để phía bảo hiểm giám định, đền bù thiệt hại do bão gây ra.

Còn theo người dân ở Lăng Cô, việc công trình hư hỏng nghiêm trọng có thể do liên quan đến chất lượng thiết kế và thi công.

Do vậy, người dân mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để xác minh, làm rõ những nghi vấn về chất lượng công trình; tránh những thiệt hại khi gặp các đợt bão, lũ lớn về sau.

Ngọc Phó