Gia đình ông Nguyễn Công Khoan, thường trú tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La phản ánh việc TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm, nhưng TAND huyện Mộc Châu vẫn giữ nguyên quan điểm, dẫn đến quyền lợi của gia đình chưa được đảm bảo!

Ông Nguyễn Công Khoan là bị đơn trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) đã được TAND huyện Mộc Châu xét xử theo trình tự sơ thẩm lần 2. Vụ án được TAND tỉnh Sơn La thụ lý, giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Diễn biến vụ việc

Năm 1999, gia đình ông Nguyễn Công Khoan nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Công Ba và bà Trần Thị Thơm căn nhà cấp 4, cùng công trình phụ có diện tích 100m2, nằm trên tổng diện tích 624m2 tại thửa đất số 69, tờ bản đồ số 14, thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu với số tiền 25.000.000 đồng, thời gian sử dụng lâu dài. Việc chuyển nhượng được lập thành văn bản, có xác nhận của chính quyền địa phương.

Tại sổ mục kê và trích lục bản đồ địa chính năm 2000 ghi rõ tên người SDĐ là Nguyễn Công Khoan, tổng diện tích 649m2, mục đích SDĐ ODT + HNK (đất ở tại đô thị + đất trồng cây hàng năm khác).

Từ đó, gia đình ông Khoan sinh sống và sử dụng diện tích đất, đã có 03 lần (năm 1999, 2002, 2011) xây dựng nhà để sinh sống và làm ăn kinh doanh, không xảy ra tranh chấp.

Ngày 01/04/2018, ông Đinh Công Lập gửi thông báo đòi QSDĐ gia đình ông Nguyễn Công Khoan, ông Nguyễn Công Ba và những người liên quan khác.

Gia đình ông Khoan và ông Ba không đồng ý, nên ông Lập đã khởi kiện yêu cầu tòa án buộc gia đình ông Khoan, Ba và những người liên quan khác phải trả lại toàn bộ diện tích đất theo hiện trạng là 624m2 thuộc thửa đất số 69, tờ bản đồ số 14.

Nguồn gốc 624m2 đất đang tranh chấp nằm trong diện tích 1.792,8m2 đất của Ban Quản lí Tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu được giao năm 1993, là một phần thuộc khu đất của Nông trường Quốc doanh Mộc Châu 1.

Tại Quyết định số 506/QĐ-UB ngày 31/10/1992 và Quyết định số 616/QĐ-UB ngày 21/12/1992, UBND tỉnh Sơn La thu hồi đất của Nông trường Mộc Châu 1 giao cho UBND huyện Mộc Châu 271 ha đất sản xuất nông lâm nghiệp.

Đến ngày 1/1/1993, UBND huyện Mộc Châu có Quyết định số 06/QĐ-UB giao 271 ha cho UBND thị trấn Nông trường Mộc Châu (tiểu khu Bó Bun) để giao hợp tác xã sử dụng. Tờ “danh sách nhận đất sản xuất tại km 72 ngày 30/01/1993” thể hiện có 31 hộ gia đình nhận đất trong đó có hộ ông Đinh Công Lập.

Tuy nhiên, theo phản ánh, đây là “danh sách đề xuất” chứ không phải là danh sách kèm theo quyết định giao đất. Danh sách này không có kí, xác nhận của cơ quan, đơn vị, tổ chức nào, không có kí tên người nhận đất. Cho nên, đây không phải là giấy tờ làm căn cứ cho việc giao đất thầu khoán đối với ông Đinh Công Lập.

Ngày 6/10/1994, ông Đinh Công Lập có thiết lập hợp đồng nhận đất khoán trồng với ông Nguyễn Công Ba. Theo đó ông Nguyễn Công Ba nhận 660m2 đất từ ông Đinh Công Lập. Trong đó, phần đất mặt tiền tương ứng 7,5m và chiều dài 88m, “thời hạn sử dụng lâu dài”. Ông Ba “đầu tư” cho ông Lập 21 triệu đồng để “có vốn hoạt động phát triển kinh tế hộ gia đình”. Ông Lập đã nhận đủ vào ngày 31/10/1994.

Năm 2000, gia đình ông Lập kê khai đăng kí quyền sử dụng đối và đã được cấp giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ. Gia đình ông Lập không kê khai đăng kí diện tích đất đã chuyển nhượng cho Nguyễn Công Ba.

Ngày 4/1/2019, TAND huyện Mộc Châu đưa Vụ án sơ thẩm thụ lý số 25/2018/TLST-DS ngày 18/7/2018 về việc “tranh chấp QSDĐ” giữa nguyên đơn - ông Đinh Công Lập với bị đơn là ông Nguyễn Công Ba, vợ Trần Thị Thơm và Nguyễn Công Khoan, vợ Vũ Thị Nga.

Tại Bản án sơ thẩm số 01/2019/DS-ST ngày 04/01/2019 của TAND huyện Mộc Châu chấp nhận khởi kiện của ông Đinh Công Lập; tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa gia đình ông Đinh Công Ba, Trần Thị Thơm với gia đình ông Nguyễn Công Khoan, Vũ Thị Nga ngày 2/11/1999 vô hiệu toàn bộ; buộc ông Nguyễn Công Khoan, Vũ Thị Nga phải trả lại thửa đất số 69, tờ bản đồ 14, diện tích 624m2; tạm giao cho ông Đinh Công Lập và bà Lường Thị Kim Lan sử dụng.

Không đồng ý với quyết định của TAND huyện Mộc Châu, ông Nguyễn Công Khoan và ông Nguyễn Công Ba đã kháng cáo toàn bộ bản án.

Ngày 12/7/2019, TAND tỉnh Sơn La đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, đồng thời tuyên “giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Mộc Châu”.

Sau đó, ông Nguyễn Công Khoan làm đơn kiến nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Sơn La.

leftcenterrightdel
 Ngày 5/3/2021, TAND Cấp cao tại Hà Nội ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 12/2021/DS-GĐT về vụ án “tranh chấp QSDĐ”

Ngày 5/3/2021, TAND Cấp cao tại Hà Nội ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 12/2021/DS-GĐT về vụ án “tranh chấp QSDĐ”. Theo đó, quyết định “hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 27/2019/DS-ST ngày 12/7/2019 của TAND tỉnh Sơn La và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2019/DS-ST ngày 4/01/2019 của TAND huyện Mộc Châu. Xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”.

TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định: “Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng, ngày 19/5/1993, tiểu khu Bó Bun lập tờ trình đề nghị xin cấp đất thổ cư làm nhà ở cho nhân dân tiểu khu và được UBND thị trấn Nông trường Mộc Châu xác nhận, nên nội dung đơn, tờ trình đã thể hiện UBND xã đã chứng nhận việc đăng kí QSDĐ cho các hộ đã có danh sách liệt kê trước ngày 15/10/2013, để xác định ông Lập có QSDĐ là không đúng. Bởi lẽ, văn bản này mới chỉ là tờ trình của tiểu khu Bó Bun (không phải là chủ thể có thẩm quyền giao đất đai) và chỉ có xác nhận của UBND xã, chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền giao cấp đất. Đồng thời chưa có quyết định giao, cấp đất của cơ quan quản lí đất đai có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Đất đai”.

Tại Công văn số 2982/UBND-TNMT ngày 28/11/2019 của UBND huyện Mộc Châu xác định: “Trên thực tế chưa có quyết định giao QSDĐ cho ông Lập, nên khi giải quyết thì UBND huyện Mộc Châu, UBND thị trấn Nông trường Mộc Châu và tiểu khu Bó Bun là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Ngày 23/3/2023, TAND huyện Mộc Châu tuyên án dân sự sơ thẩm lần thứ hai. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2023/DS-ST của TAND huyện Mộc Châu tiếp tục tuyên, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Đinh Công Lập; tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa gia đình ông Đinh Công Ba, Trần Thị Thơm với gia đình ông Nguyễn Công Khoan, Vũ Thị Nga ngày 2/11/1999 vô hiệu hoàn toàn; buộc ông Nguyễn Công Khoan, Vũ Thị Nga phải trả lại thửa đất số 69, tờ bản đồ 14, diện tích 624m2.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Công Khoan và những người liên quan trao đổi với phóng viên

Cần xem xét toàn diện chứng cứ

Qua phần nhận định của toà án trong Bản án số 07/2023/DS-ST ngày 23/3/2023 của TAND huyện Mộc Châu cho thấy không khác lần tuyên án sơ thẩm, phúc thẩm lần thứ nhất. Trong khi những căn cứ mà TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chỉ, nêu rõ chưa được cấp sơ thẩm xem xét. Đồng thời, các văn bản của cơ quan quản lý đất đai là UBND tỉnh Sơn La (Quyết định số 506/QĐ-UB ngày 31/10/1992 và Quyết định số 616/QĐ-UB ngày 21/12/1992); UBND huyện Mộc Châu (Quyết định số 06/QĐ-UB ngày 01/01/1993) cũng không được thẩm phán, Hội đồng Xét xử TAND huyện Mộc Châu đánh giá đúng theo quy định pháp luật.

Không đồng ý với quyết định của TAND huyện Mộc Châu, gia đình ông Ba và ông Khoa đã có đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh Sơn La.

Ngày 17/4/2023, Viện KSND tỉnh Sơn La ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2023/DS-ST ngày 23/3/2023 của TAND huyện Mộc Châu.

Luật sư Hoàng Văn Tùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ án đến nay đã trải qua 4 lần xét xử (xét xử sơ thẩm lần 1, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và xét xử sơ thẩm lần 2), tới đây xét xử phúc thẩm là lần thứ 5. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm số 07/2023/DS-ST ngày 23/3/2023 của TAND huyện Mộc Châu (xét xử sơ thẩm lần thứ 2), tuyên xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - ông Đinh Công Lập là chưa đảm bảo quy định của pháp luật. Điều này cho thấy toà án xét xử có dấu hiệu không công bằng, không khách quan, không đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật Tố tụng dân sự cũng như các quy định chung trong Bộ luật Dân sự như xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự của đương sự trong vụ án.

Đáng nói là, bản án sơ thẩm lần thứ 2 tiếp tục có vi phạm về đánh giá chứng cứ không đúng, không đảm bảo tính khách quan. Đồng thời có dấu hiệu áp dụng pháp luật không đúng để giải quyết vụ án. Dẫn đến bản án tuyên không đúng với thực tế sử dụng, trái với quy định pháp luật đất đai. 

Theo luật sư, bản án sơ thẩm lần thứ hai không khách quan, không công bằng và áp dụng pháp luật không đúng, dẫn đến việc không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trong vụ án. “Trong trường hợp này, tòa án cần xác định chủ thể có QSDĐ là cơ quan quản lí đất đai tại địa phương. Trên cơ sở đó xác minh ý kiến, quan điểm của các cơ quan có liên quan về quản lý đất đai mới có đủ căn cứ giải quyết vụ án”.

Quyết định giám đốc thẩm cũng chỉ rõ về việc nhận khoán và hợp đồng chuyển nhượng đất tại “biên bản hợp đồng thỏa thuận nhận đất khoán trồng cây ăn quả phát triển kinh tế gia đình ngày 6/10/1994”. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm cần xác minh ý kiến của cơ quan quản lý đất đai đối với hợp đồng thầu khoán với thời hạn, lâu dài của các bên (hơp đồng thầu khoán có xác nhận tiểu khu và UBND thị trấn Nông trường Mộc Châu) và chủ thể có quyền tiếp tục SDĐ là ai? Cơ quan quản lý đất đai có chủ trương giao cấp đất cho các hộ SDĐ theo đúng quy định của Luật Đất đai hay không? Nếu có chủ trương này thì đối tượng được giao cấp đất là ai? Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh, làm rõ các vấn đề nêu trên là chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ án.

Hy vọng, tại phiên xử tới đây, TAND tỉnh Sơn La xem xét khách quan vụ việc để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân liên quan.

CTV Nguyễn Hải, Trần Mỹ