Thời gian qua, Báo Thanh tra nhận được đơn của phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lê Thanh A. Trong đơn, phụ huynh phản ánh, nhà trường vận động phụ huynh học sinh thu nhiều khoản không thỏa thuận.

Phụ huynh nêu, nhà trường cố tình vận động phụ huynh học sinh theo kiểu “ép buộc” mua tivi, mua điều hòa, đã dùng điều hòa thì tự đóng tiền với mức 100.000 đồng/học sinh/năm.

Ngoài những khoản đóng theo quy định như học phí, BHYT, sách vở, tiền nước, đồng phục (áo mùa đông, áo mùa hè, đồng phục thể thao...) thì các khoản thu thoả thuận: Học Kỹ năng sống, tiếng Anh khối lớp 1 và lớp 2, đăng ký EnetViet (dịch vụ thông tin 2 chiều giữa nhà trường và cha mẹ) đều thực hiện kiểu “ép buộc”.

Theo phụ huynh, mỗi học sinh đăng ký học tiếng Anh liên kết khối lớp 1 và lớp 2, nhà trường thu 50.000 đồng/tháng; Kỹ năng sống 40.000 đồng/tháng; EnetViet 15.000 đồng/tháng. 3 khoản thu này tổng cộng là 105.000 đồng/học sinh/tháng.

“Chúng tôi là những người dân, chỉ biết trông vào nông nghiệp, được giá mất mùa, được mùa mất giá, không có nghề phụ, mỗi gia đình mấy đứa con ăn học, thật sự các khoản thu nhà trường đưa ra là khó khăn” - đơn nêu.

Thu tiền lắp tivi tự nguyện, không “cào bằng”

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức cho biết, đơn vị đã thành lập tổ kiểm tra gồm 4 thành viên do ông Lê Văn Thăng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện làm Trưởng đoàn.

Kết quả xác minh cho thấy, ngày 29/8/2023, Ban Giám hiệu với các giáo viên chủ nhiệm lớp cùng ban đại diện cha mẹ học sinh của 21 lớp để triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Tại hội nghị, đại diện cha mẹ học sinh đề nghị, nhà trường quan tâm đến hoạt động dạy và học cho học sinh, đặc biệt là trang thiết bị dạy học hiện đại như tivi, đèn chiếu.

Do ngân sách còn hạn chế nên nhà trường không đủ điều kiện trang bị tivi cho các lớp, nếu phụ huynh các lớp vận động để tự mua được thì trường có trách nhiệm chỉ đạo giáo viên quản lý và sử dụng hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục.

Hội nghị thống nhất, giao đại diện phụ huynh của từng lớp họp với cha, mẹ học sinh để tuyên truyền, vận động trên tinh thần tự nguyện đóng góp, tự mua theo lớp và đó sẽ là tài sản của học sinh lớp đó cho đến khi ra trường, ban cha mẹ học sinh có quyền thanh lý, không liên quan đến nhà trường.

Riêng các lớp 5, do học sinh chỉ còn 1 năm học tại trường, nên nhà trường vay hỗ trợ 3.000.000 đồng/lớp. Cuối năm học sẽ thanh lý, việc này do phụ huynh và nhà trường thống nhất sau.

Ngày 30/8/2023, phụ huynh các lớp trong toàn trường đã họp theo đơn vị lớp để triển khai. Kết quả, 21/21 lớp cha mẹ học sinh nhất trí chủ trương và giao cho ban đại diện phụ huynh lớp thực hiện.

Ngày 1/9/2023, ban đại diện cha mẹ học sinh có tờ trình đề nghị về việc tự nguyện xã hội hóa mua tivi lắp đặt ở các lớp.

Cuối tháng 9/2023, tất cả 21 lớp đã lắp đặt xong và bàn giao cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm quản lý, sử dụng.

leftcenterrightdel
Tivi được lắp đặt tại tất cả 21 lớp của trường để phục vụ việc dạy và học. Ảnh: HH

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, đại diện Ban Giám hiệu cho biết thêm, việc lắp tivi là xuất phát từ nguyện vọng của phụ huynh học sinh, do phụ huynh đứng ra thu tiền, lắp đặt. Quá trình từ khi triển khai đến lúc lắp đặt diễn ra suôn sẻ, nhà trường không nhận được bất cứ phản ánh nào của phụ huynh.

Việc đóng góp tiền mua tivi là tùy tâm, không “cào bằng”. Thực tế, có phụ huynh đóng cao nhất là 700.000 đồng/học sinh, thấp nhất là 100.000 đồng/học sinh và có cả phụ huynh không đóng.

Theo nhà trường, việc lắp đặt tivi là cần thiết để phục vụ việc dạy và học chương trình giáo dục phổ thông 2018, bởi chương trình mới có rất nhiều môn học, tiết học cần sử dụng công nghệ dạy học để tăng hứng thú học tập cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Dạy môn liên kết thực hiện đúng quy định

Liên quan đến phản ánh của phụ huynh về việc nhà trường kết hợp với giáo viên chủ nhiệm cùng đại diện cha mẹ học sinh ép đăng ký học môn Kỹ năng sống, tiếng Anh lớp 1, 2, kết quả kiểm tra của Phòng GD&ĐT cho thấy: Thực hiện công văn của Phòng GD&ĐT huyện về việc hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2023-2024 của cấp tiểu học, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thông báo và lấy phiếu khảo sát nhu cầu học tiếng Anh bổ trợ liên kết cho học sinh lớp 1 và lớp 2; nhu cầu tham gia hoạt động giáo dục Kỹ năng sống để có kế hoạch ký liên kết hợp đồng với các đơn vị được phép hoạt động.

Với môn bổ trợ tiếng Anh lớp 1,2, học sinh học 2 tiết/tuần, mỗi học sinh đóng 50.000 đồng/tháng (theo đúng mức thu hợp đồng) và có 270/272 em đăng ký tham gia học; với hoạt động giáo dục Kỹ năng sống, các em học 1 tiết/tuần với kinh phí 40.000 đồng/tháng; có 626/691 em tham gia.

Đoàn kiểm tra khẳng định, việc nhà trường khảo sát nhu cầu đăng ký học tiếng Anh bổ trợ cho học sinh lớp 1, 2; đăng ký tham gia hoạt động giáo dục Kỹ năng sống cho học sinh toàn trường và tổ chức ký hợp đồng với đơn vị cung ứng để phục vụ cho học sinh là đúng quy định. Việc sắp xếp các môn học này được bố trí ngoài các tiết học chính khóa và mức thu đúng với quy định hợp đồng.

Theo thời khóa biểu PV tìm hiểu thực tế tại trường, việc bố trí dạy Kỹ năng sống 1 tiết/tuần được sắp xếp vào tiết thứ 4 chiều thứ 2 hàng tuần, học sinh không đăng ký học được ra về trước. Đối với môn tiếng Anh, 20/21 lớp đăng ký 100%, duy nhất 1 lớp 1 có 2 học sinh không đăng ký học, đây là 2 em có hoàn cảnh khó khăn, nên nhà trường tạo điều kiện cho học nhưng không thu tiền.

Liên quan đến đăng ký sử dụng EnetViet, nhà trường cho biết, do đa số cha mẹ học sinh không tham gia nên trường không triển khai thực hiện.

Về việc lắp điều hòa và thu tiền điện dùng điều hòa, nhà trường khẳng định, không có chủ trương lắp điều hòa, hiện chỉ có 2 lớp có điều hòa do phụ huynh khóa trước để lại.

Năm học này, cha mẹ học sinh 2 lớp có điều hòa đã đề nghị nhà trường cho sử dụng và tự thanh toán tiền điện điều hòa (cha, mẹ góp 100.000 đồng/học sinh/năm cho ban đại diện phụ huynh quản lý để duy tu, bảo dưỡng và chi trả tiền điện).

Từ kết quả xác minh, Phòng GĐ&ĐT khẳng định, nội dung đơn phản ánh nhà trường, kết hợp với giáo viên chủ nhiệm cùng đại diện cha mẹ học sinh ép mua tivi và đăng ký học thêm các môn Kỹ năng sống, tiếng Anh lớp 1,2, thu tiền EnetViet là chưa có cơ sở, căn cứ. Việc đóng tiền sử dụng điều hòa là hoàn toàn tự nguyện, nhà trường không thu, không yêu cầu, không ép buộc.

Phòng GĐ&DT yêu cầu, nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh làm tốt công tác tuyên truyền vận động và thực hiện đúng quy trình khi triển khai công tác xã hội hóa trên cơ sở tự nguyện, tránh để cha mẹ học sinh hiểu sai mục đích, tuyệt đối không được ép buộc; chỉ đạo giáo viên quản lý, sử dụng hiệu quả trong tổ chức dạy học và các hoạt động khác của lớp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Nhà trường xây dựng thời khóa biểu các lớp đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục chính khóa, sau đó bố trí các tiết học bổ trợ hoặc hoạt động giáo dục khác để tạo điều kiện các em học sinh có nhu cầu được tham gia đầy đủ, không tạo tâm lý bị ép học. Trong quá trình triển khai, cần giám sát, kiểm tra việc tổ chức dạy học và các hoạt động khác, đảm bảo đúng đề án đã ký để đạt hiệu quả cao…

Hải Hà