Doanh nghiệp kinh doanh thừa nhận hàng giả, không cần giám định

Ngày 26/1/2021, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đăk Nông nhắc nhở lỗi vi phạm đối với lái xe tải biển số 48C - 04938 của Công ty TNHH AAL Gaz Việt Nam - Trạm nạp LPG. Do nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá vận chuyển trên xe nên đã thông báo và bàn giao xe hàng để Cục QLTT tỉnh Đăk Nông kiểm tra xử lý.

Qua kiểm tra, xác minh Cục QLTT tỉnh Đăk Nông phát hiện trên xe có 40 chai LGP mang nhãn hiệu ELF Gaz của Công ty Total Gaz có dấu hiệu bị làm giả nên đã mời đại diện của Công ty TNHH AAL Gaz Việt Nam đến để làm việc về nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng này.

Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Đăk Nông, ngay trong buổi làm việc, đại diện Công ty TNHH AAL Gaz Việt Nam đã thừa nhận số hàng hoá nói trên là hàng giả không phải do Công ty Total Gaz Việt Nam sản xuất, không yêu cầu phải giám định.

Từ đó, Cục QLTT tỉnh Đăk Nông đã ban hành các biên bản, quyết định tạm giữ đối với lô hàng nói trên để xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

leftcenterrightdel
Cục QLTT tỉnh Đăk Nông kiểm tra lô gas giả của Công ty TNHH AAL Gaz Việt Nam đang mang đi bán. Ảnh: Thành Nam 

Trả lại tang vật cho công ty buôn bán hàng giả

Cũng theo thông tin của Cục QLTT tỉnh Đăk Nông, sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật, ông Quách Đông Nhị - Đội trưởng Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Đăk Nông đã ban hành Quyết định số 000162, ngày 9/2/2021 với nội dung: Xử phạt Công ty TNHH AAL Gaz Việt Nam về hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hàng hoá với số tiền là 30 triệu đồng theo Điểm d Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.

Hình thức khắc phục hiệu quả: Buộc tiêu huỷ khí LPG chứa trong 40 LPG chai mang nhãn hiệu ELF Gaz, theo Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.

Trả lại 40 chai LPG nhãn hiệu ELF của Công ty Total cho Công ty TNHH AAL Gaz Việt Nam (công ty đang có hành vi vận chuyển, buôn bán hàng giả) mà không thực hiện theo Điểm a Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.

leftcenterrightdel
Đại diện Công ty TNHH AAL Gaz Việt Nam thừa nhận lô hàng này là hàng giả và cùng tiến hành niêm phong để Cục QLTT tỉnh Đăk Nông thu giữ. Ảnh: Thành Nam 

Chuyện “lạ” bắt đầu xuất hiện từ đây. Theo nhận định của Cơ quan QLTT tỉnh Đăk Nông thì giá trị của 40 chai LGP bị làm giả có giá trị là từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng để rồi cơ quan này áp dụng Điểm d Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 98/2020 xử phạt Công ty TNHH AAL Gaz Việt Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên cũng như xác nhận của đại diện Hãng Gaz Total thì giá thành của 40 chai LPG của họ có giá trị khoảng trên 30 triệu đồng (01 chai LPG giá thành 570 nghìn đồng, 12,5 kg khí LPG giá 317 nghìn đồng).

Nếu như vậy, căn cứ theo Khoản 1, 2, 5 Điều 192 Bộ luật Hình sự thì hành vi trên của Công ty TNHH AAL Gaz Việt Nam có thể bị khởi tố về “tội sản xuất, buôn bán hàng giả” hoặc bị xử phạt vi phạm có thể lên đến hàng tỷ đồng.

leftcenterrightdel

 Công văn xác định giá trị LPG chai của Công ty Total Gaz. Ảnh: Thành Nam

Tại Khoản 2, Điều 60, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định rất rõ các phương pháp để xác định giá trị của hàng giả, nhưng không hiểu Cục QLTT tỉnh Đăk Nông dùng phương pháp nào để xác định giá trị của 40 LPG chai LPG giả nói trên.

“Lạ” hơn nữa là, buộc tiêu huỷ tang vật (khí LPG chứa trong 40 LPG chai bị làm giả) nhưng lại giao cho đơn vị vi phạm tự tiêu huỷ trong khi không biết đơn vị này có chức năng, có đủ năng lực để tiêu huỷ hay không và họ mang về để đốt, xả ra môi trường hay tiếp tục mang đi bán?

Một cái “lạ” nữa là, sau khi tiêu huỷ khí LPG, còn 40 chai LPG là tài sản của Công ty Total Gaz nhưng bị “ai đó” chiếm dụng mang đi làm hàng giả lại được trả lại cho công ty buôn bán hàng giả?

Lý giải cho điều này phía Cơ quan QLTT cho rằng, đây là tài sản Công ty TNHH AAL Gaz Việt Nam mua bán hợp pháp có hợp đồng, có hoá đơn của Công ty TNHH Bảo Anh Gas (có trụ sở tại 4/1 khu 7, Tân Hoà, Biên Hoà, Đồng Nai), vậy phải chăng số hàng giả này có xuất xứ tại đây?

Để làm sáng tỏ những sự “lạ” trong cách xử lý đối với vụ việc buôn bán hàng giả nói trên của Cục QLTT tỉnh Đăk Nông là do cách hiểu các quy định của pháp luật chưa thấu đáo, hay có lý do nào đó để cơ quan chức năng bỏ lọt vi phạm, xử lý ưu ái cho Công ty TNHH AAL Gaz Việt Nam?

Đề nghị Tổng cục QLTT, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đăk Nông, Công an tỉnh Đăk Nông cần nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ các hành vi vi phạm trong vụ việc này để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin diễn biến của vụ việc.

Thành Nam - Nam Dũng