Theo phản ánh của người dân xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội, tình trạng vi phạm đất đai, lấn chiếm đất công, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp diễn ra phức tạp. Cụ thể, tại khu vực Cầu Dừa, xã Văn Bình có nhiều công trình vi phạm “mọc” lên trên đất nông nghiệp, đất công trong một thời gian dài nhưng không được xử lý triệt để.

Theo ghi nhận, nhiều công trình có dấu hiệu thi công kiên cố, công trình tạm phục vụ mục đích kinh doanh như nhà hàng ăn uống… “mọc” lên trên khuôn viên hàng nghìn mét vuông. Hiện trường xuất hiện công trình có dấu hiệu mới thi công, chưa đưa vào sử dụng. Đáng chú ý, vị trí khu vực các công trình vi phạm này ngay cạnh tuyến đường nối quốc lộ 1A đến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có mật độ phương tiện tham gia đông.

“Tổ hợp công trình này của hộ gia đình Huế Vinh đã tồn tại ở đây rất lâu, không hiểu sao không bị chính quyền xử lý tháo dỡ. Khu vực Cầu Dừa này trông rất nhếch nhác, làm xấu cả bộ mặt đô thị của Thủ đô. Chúng tôi đề nghị chính quyền xử lý nghiêm, yêu cầu tháo dỡ nếu không phải có biện pháp cưỡng chế”, một cử tri xã Văn Bình bức xúc nói.

leftcenterrightdel
 Người dân tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công phục vụ mục đích kinh doanh nhà hàng ăn uống. Ảnh: CB

Trao đổi với báo chí, ông Trần Nguyên Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Bình thừa nhận, tại vị trí khu vực Cầu Dừa (gần siêu thị Long Bình) có nhiều công trình vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp (đất giao hộ gia đình và nhận chuyển nhượng).

Theo lý giải, các công trình này đã tồn tại từ giai đoạn trước chứ không có công trình mới!

leftcenterrightdel
 Công trình có dấu hiệu mới thi công, chưa đưa vào sử dụng tại khu vực Cầu Dừa. Ảnh: CB

Lãnh đạo xã Văn Bình cũng cho biết, việc chủ sử dụng đất đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất là vi phạm và đã bị chính quyền xã lập biên bản, yêu cầu tự tháo dỡ. “Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, yêu cầu gia đình tháo dỡ công trình vi phạm”.

Mặc dù chính quyền xã đã yêu cầu chủ công trình tự tháo dỡ, nhưng trải qua một thời gian dài việc này vẫn “án binh bất động”. Không hiểu vì lý do gì mà chính quyền địa phương lại không đưa ra biện pháp cưỡng chế tháo dỡ?

Có thể nói, bên cạnh việc chính quyền xã kiểm tra, phát hiện vi phạm và lập biên bản thì cần giám sát việc thực hiện khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng. Bởi thực tế, có rất nhiều trường hợp vi phạm sau khi bị chính quyền địa phương xử lý nhưng không quyết liệt, điều này dẫn tới việc chủ công trình “nhờn luật” và vi phạm ngày càng phình to. Đến lúc đó, việc xử lý triệt để rất khó khăn và cũng có nhiều vụ việc được ưu ái “hợp thức hóa” cho vi phạm. Theo các quy định pháp luật hiện hành, nếu chủ công trình vi phạm không tự giác tháo dỡ, chính quyền địa phương hoàn toàn áp dụng các chế tài xử lý để đưa ra biện pháp cưỡng chế tháo dỡ.

Trước đó, ngày 25/8/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 14 về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) và các công trình có vi phạm về trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn.

Như vậy, TP Hà Nội đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép. Tuy nhiên trên thực tế ở nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng vi phạm, thậm chí kéo dài và không được xử lý dứt điểm gây bức xúc trong dư luận.

Đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND huyện Thường Tín chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm kéo dài, yêu cầu chủ công trình vi phạm khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.

Chính Bình