Ngang nhiên phá 2 cột điện để xây nhà trên đất lấn chiếm

Theo phản ánh của ông Nguyễn Đình Chào (trú tại phường Hạ Đình), trong thời gian cuối tháng 10/2018 phía hộ ông Đỗ Hữu Phước ở địa chỉ nhà số 30, ngõ 475/20 đường Nguyễn Trãi, tổ 15, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân đã phá dỡ lều lán xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp lấn chiếm để tiến hành xây dựng nhà ở kiên cố.

Trên phần đất lấn chiếm có diện tích khoảng 10m2 này có tồn tại 2 cột điện của Công ty Điện lực Thanh Xuân được dựng từ những năm 2002, trên phần đất nông nghiệp. 

Do chính quyền sở tại lơ là trong công tác quản lý đất nông nghiệp, năm 2004, người dân đã tự ý dựng lều lán dưới chân cột điện, rồi dựng nhà tạm khiến cột điện đang từ ngoài bờ ruộng bỗng dưng chui tọt trong nhà lấn chiếm! Và nhà xây lấn chiếm thì nằm ngay dưới hành lang lưới điện.

Đến tháng 8/2018, Công ty Điện lực Thanh Xuân tiến hành dựng cột điện mới, và chuyển đường dây ra phía ngoài đường không còn chạy trên nóc nhà xây lấn chiếm như trước. Còn lại 2 cột điện thì không có phương án di chuyển vì một lẽ đơn giản không thể phá nhà dân để chuyển cột điện.

Hai cột điện là tài sản của Nhà nước bị nhà xây lấn chiếm quây kín

Đến ngày 25/10/2018, hộ gia đình ông Phước đã tiến hành phá dỡ nhà tạm để đào móng xây nhà, đồng thời thuê thợ tự ý chặt phá cột điện khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng. 

“Trong quá trình đào móng gây đổ tường nhà tôi. Dù tôi đã đề nghị dừng thi công để giải quyết nhưng phía ông Phước vẫn cố tình phá dỡ. Cực chẳng đã, tôi đã gọi điện báo cho Công an, UBND phường Hạ Đình để xử lý” - ông Nguyễn Đình Chào bức xúc nói.

Mặc dù ông Chào đã gửi đơn trình báo đến các bên liên quan, tuy nhiên phía gia đình ông Phước vẫn cho thợ tiếp tục tiến hành chặt phá cột điện, đào móng đổ bê tông trên diện tích đất công. 

Ông Chào cho rằng, UBND phường Hạ Đình cố tình bao che cho hành vi vi phạm xây dựng không phép, lấn chiếm đất công. Công an phường Hạ Đình thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Công ty Điện lực Thanh Xuân thờ ơ trong việc quản lý tài sản Nhà nước.

Điện lực Thanh Xuân “bật đèn xanh” cho vi phạm?

Về nguồn gốc đất trồng cột điện nói trên, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND phường Hạ Đình xác nhận, diện tích đất ở địa chỉ 30A hẻm 475/20/49 đường Nguyễn Trãi mà gia đình ông Nguyễn Hữu Phước tiến hành tháo dỡ cột điện, xây nhà là đất nông nghiệp.

Đối với hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, lực lượng chức năng của phường đã lập biên bản đình chỉ theo đúng quy định. Còn về hành vi phá dỡ cột điện thuộc thẩm quyền của Điện lực Thanh Xuân.

Để làm rõ những hành vi vi phạm của người dân về việc tự ý chặt phá cột điện, phóng viên Báo Thanh tra đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Xuân.

Tại buổi làm việc, ông Phương cho biết đã nắm bắt được vụ việc qua báo cáo của Đội Quản lý điện số 2 tại địa bàn.

Theo văn bản của ông Nguyễn Minh Phương cung cấp, sau khi nhận được phản ánh của người dân, công ty đã cử cán bộ đến địa bàn kiểm tra và lập biên bản hiện trường.

Tại vị trí có địa chỉ 30A hẻm 475/20/49 đường Nguyễn Trãi trước đây tồn tại vị trí cột đúp BTLT-8,5-190 do Công ty Điện lực Thanh Xuân quản lý.

Thời điểm lập biên bản, ông Đỗ Hữu Phước đã sử dụng máy xúc chặt hạ cột đúp nói trên thành nhiều khúc nằm dưới mặt đất. Công ty đã yêu cầu ông Phước dừng ngay hành vi trên.

Trách nhiệm của Đội Quản lý điện số 2 và Công ty Điện lực Thanh Xuân ở đâu khi tài sản Nhà nước ngang nhiên bị phá hoại?

Khi phóng viên đặt câu hỏi: Cột điện là tài sản của Nhà nước, giao cho Công ty Điện lực Thanh Xuân quản lý, việc chặt phá này xảy ra thì ai là người chịu trách nhiệm? 

Ông Phương cho biết: “Tài sản này do Điện lực quản lý, nhưng việc chặt phá chúng tôi không thể nắm được ngay… Họ chặt phá rồi thì công ty yêu cầu khắc phục hoàn trả lại. Còn công ty không thể ra quyết định xử phạt”.

Tiếp tục đặt câu hỏi về trách nhiệm và hướng xử lý đối với Đội Quản lý điện số 2 trực tiếp quản lý 2 cột điện bị chặt hạ? Ông Phương không có câu trả lời thỏa đáng.

Nhìn nhận sự việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Vũ Văn Biên, Công ty Luật Khoa Tín cho rằng: Hành vi của người tự ý phá dỡ cột điện là nghiêm trọng.

Hành vi này vi phạm hành lang an toàn lưới điện, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sử dụng điện của khu vực. Vi phạm Điều 6 Nghị định 134/2013 Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định về hành vi vi phạm các quy định về xây dựng, lắp đặt công trình điện.

Hành vi tự ý chặt hạ, chuyển cột điện của hộ dân nói trên đã vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực điện lực đó là hành vi tự ý di dời công trình điện mà không thỏa thuận với chủ tài sản công trình hoặc người quản lý, vận hành công trình điện.

Theo quy định này người vi phạm sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định

Quang Đông