“Nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là tập thể đoàn kết, thống nhất cao, bản lĩnh, trí tuệ, luôn bám sát các quan điểm, đường lối, đưa ra các quyết sách kịp thời, đúng đắn, phù hợp, giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị”, ông Trần Quốc Vương khái quát.

Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc

Theo Thường trực Ban Bí thư, ngay sau Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương đã lãnh đạo việc nghiên cứu, quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân với cách làm mới, toàn diện, hiệu quả.

Ban Chấp hành Trung ương đã lựa chọn 10 nội dung lớn, toàn diện về kinh tế - xã hội đưa vào chương trình làm việc toàn khóa. Cùng với đó, đặc biệt quan tâm cho ý kiến đối với một số vấn đề chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhất là các vấn đề liên quan đến Biển Đông, chủ quyền, biên giới, lãnh thổ, an ninh quốc gia...

Về lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chỉnh trị đã nghiên cứu, ban hành nhiều nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận để tăng cường công tác xây dựng Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, xác định rõ những biểu hiện cụ thể về suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Công tác cán bộ được chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ; nhất là phương pháp đánh giá cán bộ, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ; có cơ chế tạo động lực đổi mới, sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư.

Trung ương cũng đã lãnh đạo thường xuyên, có nhiều đổi mới, thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả; xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh 7 cán bộ lãnh đạo cấp cao…

Bên cạnh đó, đã ban hành các nghị quyết trên các lĩnh vực thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tổ chức bộ máy; cải cách chính sách tiền lương, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa…

Công tác phòng, chống tham nhũng, được Ban Chấp hành Trung ương quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, được sự ủng hộ của nhân dân, đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng.

Giữ vững môi trường hoà bình để phát triển đất nước

Với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo cáo đã chỉ ra 8 ưu điểm lớn trên các lĩnh vực, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và giải quyết kịp thời nhiều vấn đề hệ trọng, phức tạp phát sinh, nhất là về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và kinh tế.

Theo đó, đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng mang tầm chiến lược về kinh tế - xã hội, ứng phó kịp thời với các biến động bất thường của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã hoàn thiện tư duy lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm sâu sát, kịp thời và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hoà bình để phát triển đất nước.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Đông, đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, nhạy bén trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; bảo vệ an toàn các hoạt động kinh tế, dầu khí, các đảo, đá, nhà giàn, điểm đóng quân của ta trên Biển Đông và vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Về lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và công tác xây dựng Đảng cũng có nhiều thành tựu. Theo đó, đã ban hành nhiều quy định; chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh công tác cán bộ, xử lý dứt điểm các tổ chức, cá nhân có sai phạm; tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

Nhiệm kỳ vừa qua đã lập 36 đoàn kiểm tra do các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm trưởng đoàn, kiểm tra đối với 110 lượt tổ chức đảng. Xem xét, thi hành kỷ luật 10 tổ chức Đảng và 52 cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có những người giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang, một số trường hợp phải xử lý hình sự…

Nhiều vụ việc khó, phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm và đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được lãnh đạo, chỉ đạo xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh.

Phòng chống tham nhũng “tạo dấu ấn quan trọng”

Báo cáo kiểm điểm cũng cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã “tạo dấu ấn quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.

“Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc và thu hồi tài sản thất thoát được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Nhiều vụ việc, vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến một số cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý được phát hiện, xử lý nghiêm minh”, ông Trần Quốc Vượng cho biết.

Bộ Chính trị đã kỷ luật 11 cán bộ, đảng viên, trong đó có 2 Uỷ viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, 4 Uỷ viên Trung ương Đảng, 2 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 2 Thứ trưởng Bộ Công an không phải là Uỷ viên Trung ương Đảng.

Ban Bí thư thi hành kỷ luật 41 cán bộ, đảng viên, trong đó có 12 người nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng…

Bên cạnh những ưu điểm, báo cáo cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Theo đó, với Bộ Chính trị, Ban Bí thư có việc lãnh đạo triển khai một số dự án trọng điểm quốc gia chưa đạt yêu cầu; công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế để khắc phục, tháo gỡ những chồng chéo, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Cạnh đó, lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an ninh, quốc phòng trong một số việc còn chưa sâu sát, toàn diện; cơ chế phân cấp trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các lực lượng chức năng khi xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động. Vì vậy, vẫn còn để xảy ra những vụ việc đáng tiếc…

“Những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân quan trọng là do hoạt động, phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế; chưa tập trung quyết liệt trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số lĩnh vực, địa phương chưa rõ...

“Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội và toàn Đảng, toàn dân về những khuyết điểm, thiếu sót nêu trên”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu.

---------------------------------

3 ưu điểm và 2 khuyết điểm của Uỷ viên Trung ương

Với các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương (cả chính thức và dự khuyết), theo Thường trực Ban Bí thư, có 3 ưu điểm.

Ông Vượng cho hay, các Uỷ viên Trung ương có lập trường tư tưởng vững vàng, có quyết tâm chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm, tư tưởng của Đảng; giữ vững nguyên tắc trong sinh hoạt đảng; chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức; có tinh thần tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.

Các Uỷ viên Trung ương đều nêu gương về đạo đức, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Các Uỷ viên Trung ương cũng đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ trong chuẩn bị Đại hội XIII; đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những nội dung cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

Bên cạnh đó, báo cáo nhận định, các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương còn 2 khuyết điểm.

Đầu tiên là “một số ít” người chưa thường xuyên nghiên cứu sâu các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, cập nhật tình hình thực tiễn; thiếu chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn.

Tiếp đó, có Uỷ viên Trung ương còn thiếu gương mẫu, vi phạm các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật về Đảng và xử lý hình sự.


Hương Giang