Giấu gia đình viết đơn nhập ngũ

Tháng giêng năm 1972, khi cái Tết Nguyên đán cận kề, mong ước của chàng trai Bùi Văn Cường (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), tròn 19 tuổi, 2 lần làm đơn xin nhập ngũ, mới thành hiện thực.

Lần trước, năm 16 tuổi, giấu bố mẹ, Cường làm đơn xin đi bộ đội nhưng đợi mãi không thấy hồi âm. Lên khu đội hỏi, chàng trai đành quay về khi được cấp trên trả lời vì vẫn chưa đủ tuổi.

“Những năm tháng đó, cả nước sục sôi bước vào giai đoạn quyết liệt giải phóng miền Nam, chúng tôi - những chàng thanh niên mười chín, đôi mươi khắp mọi miền Tổ quốc đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Nhiều người đã viết đơn bằng máu để được ra mặt trận. Tôi làm đơn lần 2, khẩn khoản mong được cấp trên chấp nhận để lên đường đánh Mỹ. Những tin chiến thắng từ miền Đông, miền Tây Nam bộ, miền Trung bay về càng thúc giục tôi lên đường nhập ngũ”, ông Bùi Văn Cường nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Chiến sĩ công binh Bùi Văn Cường tháng 1/1973. Ảnh: Nhà báo Hoàng Văn Sắc/TTXVN

Chỉ kịp ăn Tết sớm với gia đình, chàng trai Bùi Văn Cường lên đường nhập ngũ và tự hào được tham gia binh chủng công binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bùi Văn Cường được biên chế vào Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 249 Công binh cầu phà.

“Chào Hà Nội chúng tôi đi/Tôi nhớ mãi tháng giêng năm ấy 1972/Lũ học trò tuổi đôi mươi/Xung phong đi đánh Mỹ/Xếp bút nghiên, nguyện làm chiến sỹ… Hãy đến những nơi súng nổ/Giữ lấy không rời từng tấc đất cha ông/Hậu phương xa canh cánh bên lòng/Chúng tôi đi cho ngày chiến thắng”, ông Cường đọc lại bài thơ mình viết vào đêm nhập ngũ hơn 50 năm về trước..

Sau thời gian huấn luyện trên bãi cát trắng bên bờ sông Lam xứ Nghệ, những chàng trai Hà Nội dần làm quen với nghiệp vụ công binh rà phá bom, mìn, bắc cầu phà…

Đơn vị của ông Cường vào Vĩnh Linh giữa lúc quân đội ta mở cuộc tiến công lớn vào Quảng Trị, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

leftcenterrightdel
 Ông Bùi Văn Cường, cựu chiến sĩ công binh Trung đoàn 249. Ảnh: Minh Tân

“Trong đó, Quảng Trị là hướng tấn công chủ yếu đã trở thành nơi thử thách quyết liệt của công binh Việt Nam, tiêu biểu là Trung đoàn 249 chúng tôi”, ông Cường cười đầy tự hào.

Công việc của lính công binh bất kể ngày hay đêm là nối liền bờ Bắc với bờ Nam, rà phá bom nổ chậm, bắc phà, làm ngầm, kết nối lại những khúc đường đứt đoạn. Từ đó, đảm bảo mạch máu giao thông cho bộ đội ta và xe pháo vào chiến trường đánh giặc. Người lính công binh không một giờ phút nào vắng mặt trên các tuyến đường, bến phà... dù cho mưa bom, bão đạn để kịp cho những chuyến xe, khí tài vào Nam.

Những ký ức lịch sử

Chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị khốc liệt, đơn vị của ông đã đảm nhiệm mọi tuyến đường đều thông suốt, mọi bến phà, cây cầu… được an toàn cho từng đoàn người, phương tiện, vũ khí băng qua. Bên bờ sông Bến Hải, nơi cây cầu Hiền Lương chia cắt 2 miền đã bị bom đạn đánh phá, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ quan trọng: Đúng 16 giờ ngày 1/4/1972, Tiểu đoàn 1 được lệnh vào đúng đêm 1/4/1972 phải có phà và đúng đêm 2/4/1972 phải có cầu phao ở bến Hiền Lương để chiến dịch mở thêm một mũi tiến công theo đường số 1.

“16 giờ ngày 2/4/1972, các xe bắt đầu hạ thủy khí tài trên khu vực bờ sông dài gần 2km và 2 giờ sau, 50 khoang thuyền đã được hạ thủy xong. 20 giờ ngày 2/4/1972, Tiểu đoàn trưởng Ngô Ngọc Bảng nổi hồi còi dõng dạc báo hiệu thông cầu. Lúc này, chiến cầu phao TPP 16 tấn dài 170 mét nối thông 2 bờ bến Hải sau 18 năm (1954 - 1972) chia cắt do âm mưu của kẻ thù”, ông Cường rưng rưng nhớ lại thời khắc lịch sử.

leftcenterrightdel
Cây cầu qua sông Bến Hải do Trung đoàn Công binh 249 bắc được lệnh chạy thử qua cầu kiểm tra an toàn trước khi được lệnh thông cầu. Ảnh: Nhà báo Hoàng Văn Sắc/TTXVN 

Bởi thời khắc này, ông cùng đồng đội và Nhân dân cả nước mang niềm tin lớn về ngày thống nhất non sông đã không còn xa khi từng đoàn xe kéo pháo, xe vận tải lăn bánh qua cầu trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị.

Cây cầu chỉ tồn tại trong đêm mùng 3/4 và 4/4/1972, trước khi quân địch bắn phá, chiếc cầu phao do những người lính công binh hoàn thành đã làm tròn sứ mệnh khi phục vụ cho hàng vạn đồng bào ở bờ Nam sơ tán ra Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Bình.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trên mặt trận Trị Thiên Huế 1972, đến ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, Trung đoàn 249 nhận được lệnh khẩn trương bắc ngay một cầu phao qua sông Bến Hải cạnh cây cầu sắt bị bom Mỹ đánh gãy từ lâu.

“Nhận nhiệm vụ mà anh em chúng tôi lòng vui như được về phép vậy! Không vui sao được khi những người lính công binh chúng tôi chỉ có đêm đêm lặn lội với cọc, đinh, ván, phải bất động khi pháo sáng địch săm soi… Giờ này, giữa thanh thiên bạch nhật, chúng tôi bắc 1 cây cầu chính ngay trên dòng sông Bến Hải bấy lâu chia cắt đôi bờ để Bắc Nam để Nhân dân sum họp”, ánh mắt ông Cường sáng lên khi nhớ lại ngày tháng đó.

leftcenterrightdel
 Sáng ngày 28/1/1973, Nhân dân hai bờ Nam - Bắc qua lại thăm thân trên chiếc cầu phao bắc qua dòng sông Bến Hải. Ảnh: Nhà báo Hoàng Văn Sắc/TTXVN

Các cán bộ, chiến sĩ công binh nhanh chóng tổ chức rà phá bom mìn dưới lòng sông. Những chiếc xe lội nước có lắp máy phóng từ ngược xuôi theo dòng sông để phá bom, chỉ trong một ngày, các cán bộ, chiến sĩ đã rà phá trên 100 quả bom, mìn các loại.

Thời khắc lịch sử khi tiếng súng lệnh vang lên, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 249 nhanh chóng triển khai nhiệm vụ. Bất chấp dưới làn mưa đạn của 2 chiếc máy bay F-4 của địch, những chiến sĩ công binh vẫn tiếp tục nhiệm vụ và rồi chiếc cầu phao TPP 16 tấn dài 170m đã nối liền đôi bờ Nam - Bắc. Đúng 20 giờ, lệnh thông cầu vang lên.

Sáng ngày 28/1/1973, cột cờ giới tuyến bên bờ sông Bến Hải cao 35 mét, lá cờ đỏ sao vàng rộng 96m2 đã được kéo lên, băng cờ, ảnh Bác Hồ, biểu ngữ treo kín các lối từ thôn Hiền Lương ra đến cây cầu vừa mới bắc.

“Nhịp cầu thân thương mà bà con hai miền hằng mong ước đã trở thành hiện thực. Nhân dân hai bờ Nam - Bắc cầm cờ đỏ sao vàng đến mỗi lúc một đông. Tất cả chúng tôi ôm nhau quay tròn trong niềm vui sướng...", ký ức ngày tháng thanh xuân hào hùng của chàng trai Hà Nội Bùi Văn Cường vẫn vẹn nguyên.

Minh Tân