Sáng ngày 8/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 45, cho ý kiến kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14.

Trình bày báo cáo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, đến nay có 2.008 kiến nghị được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 95,53%.

Trong đó, các cơ quan của Quốc hội đã giải quyết 100% kiến nghị. Còn Chính phủ đã giải quyết, trả lời 1.858 kiến nghị, đạt 95,23%.

Theo bà Hải, thời gian qua, dù Chính phủ, bộ, ngành phải tập trung thời gian, nhân lực, vật lực để xử lý, giải quyết những ảnh hưởng do dịch COVID -19, nhưng qua giám sát thấy “vẫn luôn rất tích cực, khẩn trương, trách nhiệm trong xem xét, giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri”.

Đáng chú ý, một số vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương, nhiều người dân chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước thì đã được xem xét, giải quyết xong tại kỳ họp này.

Bà Hải dẫn chứng, tại kỳ họp trước vấn đề khó khăn trong quản lý taxi công nghệ đã được cử tri Quảng Nam phản ánh; đã có hàng nghìn đơn thư của công dân gửi tới Ban Dân nguyện nêu vấn đề này thì đến ngày 11/2/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 10 thay thế Nghị định 86.

leftcenterrightdel
 Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: quochoi.vn

“Có thể nói Nghị định 10 ra đời đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là hoạt động của taxi công nghệ góp phần ổn định trật tự xã hội và điều kiện kinh doanh của người dân”, Trưởng ban Dân nguyện nói.

Niềm tin của cử tri với các cơ quan của Quốc hội có tăng?

Cho ý kiến, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịch bày tỏ vui mừng khi báo cáo đã nêu những điển hình giải quyết kiến nghị của cử tri.

Bên cạnh đó, bà Thịnh cũng đề nghị, Ban Dân nguyện nêu rõ bộ, ngành, địa phương giải quyết chậm, giải quyết ít kiến nghị của cử tri.

“Báo cáo trước Quốc hội sẽ có tác động nhanh, hiệu quả đối với tất cả các ngành, cơ quan chức năng”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói.

Nhắc đến COVID -19, theo Phó Chủ tịch nước, qua công tác phòng, chống đại dịch, niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, ngành Y tế tăng lên. Niềm tin của cộng đồng quốc tế với Việt Nam cũng tăng lên.

Từ đó, bà Thịnh đặt vấn đề, qua công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, niềm tin của cử tri, của người dân đối với cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH như thế nào? Niềm tin của cử tri, nhân dân với các cơ quan của Quốc hội có tăng lên không?

“Gần đầy nổi lên vụ Đường “Nhuệ” ở Thái Bình hay xung quanh vấn đề Thủ Thiêm ở TP Hồ Chí Minh, cử tri muốn nói đến vai trò của Đoàn ĐBQH ở đâu? Dĩ nhiên Đoàn ĐBQH không phải là cơ quan trực tiếp giải quyết kiến nghị nhưng trách nhiệm chuyển tải nội dung kiến nghị cử tri, cũng như đeo đám để giải quyết đến cùng một vấn đề, kiến nghị tới đâu?”, Phó Chủ tịch nước nêu.

Theo bà Thịnh, báo cáo mà đều đều thì không có gì nổi bật. Từ đó, bà đề nghị, Ban Dân nguyện khái quát lại giữ 2 kỳ họp nổi lên vấn đề gì cử tri bức xúc.

“Trước đây chúng ta hay nói đến 60-70% liên quan đến đất đai thì lần này có phải vấn đề đất đai nữa không?”.

Phó Chủ tịch nước tin rằng, khi báo cáo nêu rõ các vấn đề xúc xử của cử tri thì việc giải quyết sẽ quyết liệt hơn.

“Như vấn đề tín dụng đen, khi cử tri nêu, ĐBQH nói nhiều thì các cơ quan chức năng có chỉ đạo quyết liệt, nên việc giải quyết tín dụng đen hiệu quả hơn, phát hiện, phá được nhiều vụ tín dụng đen mạnh mẽ hơn”, bà Thịnh dẫn chứng.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ, vì sao đến nay vẫn chưa thực hiện được thu phí tự động không dừng theo kế hoạch đề ra.

Hương Giang