Ngày 11/5, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu một số vấn đề để Trung ương quan tâm nghiên cứu, thảo luận và xem xét, quyết định.

Nhân sự khoá mới là tiền đồ phát triển đất nước

Hội nghị lần này, Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến và xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được bàn tại các hội nghị tiếp theo.

Theo Tổng Bí thư, chúng ta đã trải qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Dự báo những năm sắp tới, thời cơ và thách thức đối với nước ta đều rất lớn.

Tổng Bí thư cho rằng, cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự và ngày càng trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Muốn vậy, chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là công việc cực kỳ hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trong báo cáo của Bộ Chính trị trình Trung ương lần này đã nêu khá đầy đủ về kết quả tổng kết công tác nhân sự Đại hội XII; về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII; tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, cách thức lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương.

Vì vậy, mỗi Uỷ viên Trung ương nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên. Cần lưu ý, nhấn mạnh thêm vấn đề gì, những khâu nào?

Tổng Bí thư nêu, phải chăng, về tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm?

“Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", chạy chức, chạy quyền...”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gợi mở.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị Trung ương 12. Ảnh: Nhật Bắc
 

Làm rõ số lượng, cơ cấu, độ tuổi của ĐBQH, ĐB HĐND

Về phương hướng bầu cử Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Khoá XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư khẳng định, đây là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND sắp tới sẽ là lần thứ ba thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khoá X về đổi mới tổ chức bầu cử ĐBQH và bầu cử ĐB HĐND các cấp trong cùng một thời điểm, theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về bầu cử hiện hành.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng Đoàn QH đã hoàn chỉnh Đề án về phương hướng bầu cử ĐBQH Khoá XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trình Trung ương xem xét, quyết định.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong Đề án và Tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử.

Trong đó, chú ý phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử, như: Mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn ĐBQH, ĐB HĐND các cấp nói chung và ĐB chuyên trách nói riêng; số lượng, cơ cấu, độ tuổi của ĐBQH, ĐB HĐND, nhất là số lượng, cơ cấu ĐB chuyên trách, ĐB nữ, ĐB người dân tộc thiểu số, ĐB đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội; đơn vị bầu cử và số dư người ứng cử ở các đơn vị bầu cử; quyền bầu cử, ứng cử; quy trình ứng cử, đề cử; việc tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức bầu ĐB HĐND ở những nơi mà ở cấp dưới không tổ chức HĐND phường; ngày bầu cử dự kiến... và các công việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

ĐB đi dự Đại hội cũng phải thật sự có bản lĩnh, trình độ

Cũng tại hội nghị này, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ ĐB và dự kiến số lượng phân bổ đối với 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương tham dự Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Theo đó, nguyên tắc phân bổ ĐB phải thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, có số lượng hợp lý, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn Đảng, bảo đảm thành công của Đại hội. Căn cứ để phân bổ ĐB dự Đại hội Đảng dựa trên 3 tiêu chí: Đầu mối Đảng bộ trực thuộc Trung ương, số lượng đảng viên của từng Đảng bộ, vị trí quan trọng của một số Đảng bộ.

“Điều quan trọng nhất là phải làm sao lựa chọn đúng và bầu được các đồng chí thật sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho Đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc. ĐB đi dự Đại hội cũng phải thật sự là những cán bộ, đảng viên ưu tú, có bản lĩnh, có trình độ, tiêu biểu của Đảng bộ mình, không bị tác động bởi những việc làm sai trái của các phần tử xấu, nhất là trong công tác nhân sự”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư đề nghị, Trung ương tập trung cho ý kiến về các nguyên tắc, tiêu chí để phân bổ ĐB; dự kiến phân bổ số lượng cụ thể như đã nêu trong tờ trình của Bộ Chính trị và các phụ lục số liệu kèm theo.

“Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thống nhất về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ ĐB, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định cụ thể số lượng ĐB của từng Đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”, Tổng Bí thư cho biết.

Ngoài ra, Ban Chấp hành Trung ương còn cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; Báo cáo những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10/2019) đến Hội nghị Trung ương 12 Khoá XII; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng năm 2019.

“Đề nghị các đồng chí dành thời gian nghiên cứu kỹ và cho ý kiến vào những vấn đề cụ thể nhưng hết sức quan trọng này, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, sức chiến đấu của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong thời gian tới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu khai mạc hội nghị lần thứ 12.

Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 14/5.

Hương Giang