Tại Phiên họp 57 chiều ngày 14/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV.

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian kỳ họp là 11,5 ngày làm việc (khai mạc vào ngày 20/7 và bế mạc vào sáng ngày 3/8), trong đó, dành 5 ngày cho công tác nhân sự.

Việc xem xét, quyết định nhân sự các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiến hành ngay sau phiên khai mạc để các cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Còn thời điểm xem xét, tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với lịch công tác của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Tổng Thư ký sẽ trao đổi với Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ để phối hợp tham mưu vấn đề này.

Dự kiến chương trình kỳ họp cũng tiếp thu đề nghị của TAND Tối cao về bổ sung nội dung phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao trình Quốc hội xem xét, quyết định để kịp thời kiện toàn nhân sự Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao...

Trước đó tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV (cuối tháng 3 đầu tháng 4/2021), Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, 3 Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và một số Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Quốc hội khoá XIV cũng đã bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, bầu Thủ tướng Chính phủ, phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành. Những chức danh kể trên được bầu hoặc phê chuẩn là thuộc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh công tác nhân sự, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét các báo cáo và một số nội dung khác.

Tổng Thư ký Quốc hội cho hay, đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ nên sẽ bố trí để Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc. Tuy nhiên, lúc đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khóa XV chưa được bầu để trình bày báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội.

Vì vậy, ông Cường đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế khoá XIV trình bày báo cáo thẩm tra này.

Kỳ họp này, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Vì vậy, Văn phòng Quốc hội sẽ xây dựng các phương án cụ thể và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tùy thuộc vào tình hình thực tế như: Giới hạn số lượng người ra vào Nhà Quốc hội; tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine, phun khử khuẩn, thực hiện 5k. Đặc biệt sẽ tiêm vaccine cho các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, phải đảm bảo phòng chống dịch nghiêm ngặt.

“Trong phiên họp lãnh đạo chủ chốt tôi đã đề xuất và Thường trực Ban Bí thư đã thống nhất và có văn bản gửi Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế và các tỉnh TP trên cả nước là tổ chức xét nghiệm và tiêm vaccine cho tất cả đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Hương Giang