Chiều ngày 27/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Trình bày báo cáo việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu, dự kiến, kỳ họp này làm việc trong 11 ngày, khai mạc vào ngày 20/7, bế mạc vào ngày 03/8.

Theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp thứ nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu. Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.

Đáng chú ý, Quốc hội sẽ dành 6 ngày để xem xét, quyết định công tác nhân sự.

Quốc hội sẽ quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm Nhà nước.

Quốc hội cũng sẽ bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ…

Ngoài ra, Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021.

Xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình Giám sát của Quốc hội năm 2022; xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, ông Cường cho hay, Luật Ngân sách Nhà nước quy định kế hoạch tài chính 05 năm làm cơ sở để Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn, Luật Đất đai quy định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là một trong những căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

“Tại kỳ họp thứ nhất cần phải quyết định 02 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 trước khi quyết định 02 kế hoạch đầu tư công trung hạn và sử dụng đất quốc gia của cùng giai đoạn này”, Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Trường hợp không kịp chuẩn bị các nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho chuyển các kế hoạch 5 năm sang trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).

Về tổng kết kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV, theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, sau 12 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, trách nhiệm cao đã thành công rất tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với các nội dung về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021, công tác nhân sự và quyết định một số nội dung khác.

Tại kỳ họp 11, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số chức danh trong bộ máy Nhà nước nhằm tạo sự đồng bộ trong công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận cao.

“Các nhân sự được bầu hoặc phê chuẩn có cơ cấu hợp lý, là những người có năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, trưởng thành từ cơ sở, trải qua nhiều vị trí công tác, có tư duy đổi mới; đồng thời, bảo đảm sự kế thừa, ổn định và phát triển”, ông Cường cho hay.

Các vị đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, dân chủ, khách quan, sáng suốt lựa chọn những người thực sự xứng đáng đảm nhận các vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước.

Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp. 

Hương Giang