Những kết quả nổi bật trong 7 tháng đầu năm

Theo báo cáo, trong 7 tháng năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện đạt nhiều kết quả toàn diện, nhiều chỉ tiêu chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - giá so sánh năm 2010) ước đạt 25.493 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 39,56% kế hoạch năm 2024 (theo giá hiện hành tăng 13,02% so với cùng kỳ năm 2023).

Hiện nay, một trong những lợi thế lớn của tỉnh Đắk Lắk là nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đã được xuất khẩu chính ngạch, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng và giá cả ở mức cao; đồng thời, các ngành sản xuất, tiêu dùng cũng từng bước phục hồi nên việc nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu cũng tăng cao; trong 7 tháng, xuất khẩu đạt 1.130 triệu USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 70,6% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 295 triệu USD tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 281% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt gần 63 nghìn tỷ đồng, tăng 9,52% so với cùng kỳ 2023, đạt 62,8% kế hoạch cả năm 2024.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; điều hành lãnh đạo của các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NG 

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, rà soát các nguồn thu, tăng cường công tác chống thất thu, nhất là ở các lĩnh vực mới như thương mại điện tử; đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại thuế; tuy nhiên, do thị trường bất động sản trầm lắng nên tình hình thu biện pháp tài chính của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, không đạt kế hoạch đề ra; điều này đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu ngân sách của tỉnh; đến nay, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 4.500 tỷ đồng, bằng 64,12% dự toán Trung ương giao và 52,81% dự toán HĐND tỉnh giao.

Thu hút đầu tư có chuyển biến tốt, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 2.900 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2021 đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 70 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 32 nghìn đồng.

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng chỉ đạt 40,63% kế hoạch năm 2024.

Công tác giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, với sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành; nên đến nay kết quả thực hiện có nhiều cải thiện so với cùng kỳ năm 2023. 

Đến ngày 31/7/2024, đã giải ngân đạt 38,9% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, cao hơn 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025, đến hết năm 2023 tỉnh thực hiện đạt và vượt 10/16 chỉ tiêu kế hoạch. Trong 3 năm 2021-2023 đối với từng ngành, lĩnh vực đều có sự phát triển tích cực.

Trong giai đoạn này, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định chủ trương đầu tư 58 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 29 nghìn tỷ đồng và thu hút 13 dự án FDI với số vốn đăng ký 515 triệu USD. Giá trị tổng sản phẩm nông nghiệp đạt 70.000 tỷ đồng, bằng 62,56% kế hoạch 5 năm, bình quân tăng 6%/năm…

leftcenterrightdel
 Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: NG

Trăn trở của người đứng đầu Chính phủ

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Đắk Lắk có vị trí, vai trò rất quan trọng về kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Trước những kết quả mà tỉnh đạt được, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; điều hành lãnh đạo của các cấp chính quyền; sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng chỉ ra một số vấn đề cần nỗ lực, cố gắng hơn như: Đắk Lắk vẫn là tỉnh khó khăn liên quan đến nhiều lĩnh vực liên quan đến hạ tầng, giáo dục, y tế, kết cấu hạ tầng giao thông… Thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn khó khăn. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra, thấp hơn trung bình so với cả nước. Triển khai 3 chương trình mục tiêu Quốc gia còn chậm.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều ở mức rất cao so với cả nước. Tình hình khiếu kiện liên quan đến hợp đồng khoán, tranh chấp đất đai diễn ra phức tạp, chưa giải quyết triệt để; tình hình người dân phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn xảy ra.

leftcenterrightdel
 Đắk Lắk có vị trí, vai trò rất quan trọng về kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Ảnh: NG

Thủ tướng đề nghị, tỉnh Đắk Lắk phát triển kinh tế - xã hội cần phải nhanh, bền vững toàn diện; dựa vào 4 trụ cột tăng trưởng: Phát triển các sản phẩm nông lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao hướng tới thị trường xuất khẩu; Công nghiệp chế biến nông sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; Kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thuỷ lợi; Dịch vụ logictic, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển kinh tế xã hội song hành với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị hợp tác

Phát triển kinh tế, xã hội gắn kết với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và xoá đói giảm nghèo; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý hiệu quả tài nguyên đất đai, nước, rừng và các loại tài nguyên khác. Bảo vệ cải thiện môi trường, chủ động tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Phát triển kinh tế, xã hội lấy con người là trung tâm, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, tôn giáo.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, làm việc với Công an tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NG

Sáng 18/8, trong chương trình công tác tại Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk và Công an tỉnh Đắk Lắk.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2024) và 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024).

Thủ tướng nhấn mạnh, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến phức tạp về an ninh, trật tự.

Theo Thủ tướng, lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là "hai cánh của một con chim", chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự và Công an tỉnh Đắk Lắk luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu; coi nhiệm vụ quốc phòng - an ninh là trọng yếu; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc; không để bị động bất ngờ về chiến lược.


Ngọc Giàu