Ngày 22/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”.

Tại buổi đối thoại, các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của thanh niên tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Giáo dục, đào tạo vì mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên 4.0; Rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên; Kiến tạo môi trường để thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, sáng tạo.

Vươn lên bằng bàn tay, khối óc, không trông chờ, ỷ lại

Đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại rất nhiều cơ hội mới, nhưng cũng không ít thách thức cho lực lượng lao động trẻ, doanh nhân trẻ Phạm Nhật Thành hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về những quyết sách quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Để sinh viên Việt Nam sánh ngang tầm về năng lực và trí tuệ với sinh viên trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, giáo dục đại học trong thời gian tới sẽ được đổi mới ra sao?”, chị Vũ Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, Trường Đại học Thương mại hỏi.

leftcenterrightdel
Chị Vũ Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, Trường Đại học Thương mại. Ảnh: Hương Giang 

Trả lời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách lớn để phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao.

Thủ tướng đã giao ngành GD&ĐT xây dựng và triển khai nhiều đề án, chương trình. Trong đó, bộ đang xây dựng và triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số. Bước đầu có 5 trường đại học thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật đã đăng ký tham gia đề án này - theo ông Sơn.

Toàn ngành GD&ĐT đang triển khai đề án, chương trình, dự án quan trọng khác, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc đại học với những kỹ năng, phẩm chất, năng lực có thể giúp cho thanh niên, học sinh đáp ứng được yêu cầu của công việc trong thời đại công nghiệp 4.0.

“Năng lực của người lao động phải được hình thành từ những năm đầu phổ thông chứ không thể đợi đến đại học”, Bộ trưởng nói, với sinh viên, ngoài các kỹ năng nền còn yêu cầu trang bị các kỹ năng mềm, năng lực về công nghệ thông tin, ngoại ngữ và rất nhiều kỹ năng khác nữa.

Bổ sung thêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, cuộc sống lúc nào cũng có thuận lợi đan xen khó khăn và thách thức, nên phải giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, không quá lạc quan trước cơ hội, thuận lợi, nhưng không bi quan trước khó khăn, thách thức.

Tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức phải bằng tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên bằng bàn tay khối óc của mình, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

Với GD&ĐT và khoa học, công nghệ, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước xác định là “quốc sách hàng đầu”, có rất nhiều chính sách ưu tiên.

“Kiến thức có thể được đào tạo, truyền thụ qua nhiều kênh khác nhau, nhưng phải làm sao để có kỹ năng sống thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh và khi làm việc thì có kỹ năng nghề cao, có khả năng cạnh tranh”, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần tạo nhiều phong trào gắn với lợi ích của thanh niên, của quốc gia.

Sẽ có chính sách mới về cho thuê và thuê - mua nhà ở

Vấn đề nhà ở cũng được thanh niên nêu ra tại cuộc đối thoại.

Từ đầu cầu Quảng Ninh, anh Nguyễn Văn Linh, Đoàn Thanh niên Công ty Xây lắp mỏ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho hay, thanh niên công nhân đang gặp nhiều khó khăn về nhà ở, nhu cầu thuê nhà rất lớn. Anh đề nghị, chính sách hỗ trợ để thanh niên trẻ mua được nhà ở xã hội.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”. Ảnh: N.Bắc 

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến chính sách nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, và gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 với nhiều mục tiêu, giải pháp.

Trong thời gian chờ trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở, Chính phủ sẽ xây dựng ban hành Nghị quyết Thí điểm về phát triển nhà ở xã hội.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng hoàn thiện Dự thảo Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, cũng như hỗ trợ người mua.

Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về phục hồi kinh tế, trong đó có 2 gói hỗ trợ là 40.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi 2%, gói 15.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng thanh niên, công nhân vay mua nhà.

Các chính sách này đều nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân có chỗ ở, yên tâm công tác, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, theo ông Sinh.

Chia sẻ thêm với trăn trở của thanh niên khi ra trường đi làm là nhà ở, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “an cư lạc nghiệp” và khẳng định “nhà ở rất quan trọng với mỗi người”.

Theo Thủ tướng, tới đây, sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về chính sách tiền lương. Các cơ quan cũng đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các chính sách nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trong đó, nghiên cứu các hình thức mua, thuê, thuê mua…

Tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, có chính sách phù hợp để tạo quỹ đất, có lãi suất phù hợp… để hỗ trợ cả “đầu vào” là nhà đầu tư và “đầu ra” là người mua, thuê, thuê mua nhà.

leftcenterrightdel
Thủ tướng chụp ảnh kỷ niệm với thanh niên. Ảnh: N.Bắc 

Tăng đội ngũ cán bộ trẻ tham gia quản lý như thế nào?

Nêu vấn đề quy hoạch và sử dụng cán bộ trẻ, chị Nguyễn Lê Trang, nghiên cứu viên Vụ Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học nông nghiệp đặt câu hỏi: Giải pháp nào để hiện thực hóa chỉ tiêu tuyển chọn cán bộ trẻ làm việc tại các cơ quan Nhà nước.

Nhắc lại thời kỳ làm cán bộ đoàn của mình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà mong muốn các bạn trẻ luôn sống bằng nhiệt huyết, có khát vọng cống hiến.

Trở lại câu hỏi, theo bà Trà, thời gian qua, nhiều tổ chức làm tốt công tác cán bộ trẻ, song so với chỉ tiêu đặt ra thì chưa đạt. Vì vậy, thời gia tới, Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ đề nghị các cấp ủy, chính quyền, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách về cán bộ trẻ, trước hết tham gia cấp ủy các cấp đạt 10% và tới năm 2030 đạt 15%.

Cùng với đó, hoàn thiện sớm chiến lược thu hút và trọng dụng nhân tài, xây dựng các nghị định có liên quan để thực hiện toàn diện chiến lược thanh niên.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: N.Bắc 

Trả lời câu hỏi của chị Trần Thuỳ Linh, công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương, về giải pháp giúp thanh niên có tâm, trí, thể lực tốt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, sống phải có khát vọng, mục đích, lý tưởng thì mỗi ngày mới tràn đầy năng lượng, nếu không có thì không biết thức dậy để làm gì, bắt đầu từ đâu. Thứ hai, phải có tâm sáng, làm gì cũng nghĩ đến đất nước, Tổ quốc, dân tộc, nhân dân; chứ chưa làm gì đã nghĩ đến lợi ích cá nhân thì sẽ không làm được. Thứ ba, phải có trái tim lửa, quyết liệt, tiên phong, gương mẫu đi đầu, không ngại thách thức, không ngại rủi ro.

“Nếu có khát vọng, tâm sáng, trái tim lửa, chắc chắn mỗi ngày mới là một ngày tràn đầy năng lượng với tất cả chúng ta”, Bộ trưởng nói và chia sẻ thêm, ông rất tâm đắc với bài hát “Khát vọng” hay bài “Tuổi 20” với những câu hát “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà ta hãy làm gì cho Tổ quốc hôm nay”; “hãy sống như đời sống, để thấy đời mênh mông”.

Đầu tư hơn nữa để chăm sóc sức khỏe thanh niên

Chị Phạm Thị Hậu, thanh niên khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP HCM nêu, trong Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 có mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho thanh niên.

“Chính phủ, Bộ Y tế có giải pháp nào để chăm lo tốt nhất về sức khỏe, nâng cao thể chất cho thanh niên, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn nhân lực chất lượng cao?”, chị Hậu đặt câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, thanh niên là thế hệ tương lai của đất nước, cùng với phát triển trí lực, phát triển thể lực cho thanh niên là mục tiêu hướng tới.

Trong lĩnh vực y tế đã có nhiều chính sách được ban hành đồng bộ để phát triển trí lực, thể lực của thanh niên, như Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia… đều đề cập đến chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và thanh thiếu niên nói riêng.

Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao với chăm sóc sức khỏe cho thanh niên, trong đó có thanh niên khu công nghiệp, theo bà Lan, tới đây, sẽ triển khai mô hình y tế cơ sở dựa trên dân số trên địa bàn. Đặc biệt, với các khu công nghiệp tập trung đông lao động sẽ có chính sách riêng.

Thủ tướng chia sẻ thêm, sức khỏe là vốn quý của con người. Thanh niên muốn có sức khỏe thì phải rèn luyện toàn diện: Bản lĩnh, ý chí, nghị lực, sức chịu đựng… Phải có chăm sóc y tế khi ốm đau, bệnh tật.

“Các chủ thể liên quan đều phải có trách nhiệm, đưa ra giải pháp phù hợp, đồng bộ để bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân nói chung và thanh niên nói riêng, để mỗi người dân khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Hương Giang