Sáng 18/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban.

Hội nghị tập trung bàn giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Doanh nghiệp nhà nước phải chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ trăn trở nhiều năm, đã có nhiều chủ trương, quyết sách lớn về phát triển của doanh nghiệp nhà nước.

Theo báo cáo, đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 1,173 triệu (63%) tổng vốn chủ sở hữu và khoảng 2,44 triệu tỷ (65%) tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho hay, tổng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước năm 2021 chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư nhà nước và chiếm 10% tổng đầu tư toàn xã hội.

Các doanh nghiệp nhà nước đóng góp đáng kể trong thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng, góp phần kiểm soát lạm phát.

“Nhưng đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng, ngang tầm với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn” - theo Thủ tướng.

Giai đoạn 2016-2020, 19 tập đoàn, tổng công ty hầu như không có dự án, công trình khởi công mới. Thời gian qua, các cơ quan đã tích cực giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, báo cáo Bộ Chính trị, tìm được hướng xử lý với nhiều dự án, doanh nghiệp và đang tiếp tục tìm hướng xử lý với các dự án, doanh nghiệp khác…

Phân tích nguyên nhân, người đứng đầu Chính phủ chỉ ra 3 nguyên nhân chủ quan lớn.

Đó là: vướng mắc lớn nhất là pháp lý; sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa thật sự chặt chẽ, có hiệu quả; sự nỗ lực của Uỷ ban và bản thân các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn lúng túng, chừng mực.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tích cực xử lý có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Các tập đoàn, tổng công ty phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại để xử lý các vấn đề.

Phân cấp mạnh mẽ, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Với nguồn vốn, tài sản lớn, theo Thủ tướng, 19 tập đoàn, tổng công ty phải đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Đi cùng với đó, tập trung vốn cho thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng.

Các tập đoàn, tổng công ty cũng phải đổi mới mô hình quản lý, nâng cao năng lực quản trị; tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, thực chất để nâng cao hiệu quả hoạt động tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Với Ủy ban, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện mô hình, tách bạch quản lý nhà nước với sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn hiệu quả, giảm bớt can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tham mưu đề xuất giải về thể chế, chính sách để nhanh chóng khơi thông nguồn lực của 19 tập đoàn, tổng công ty.

Một trong các giải pháp là nghiên cứu phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc thực hiện một số quyền của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn được giao chủ trì, nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển riêng một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực để phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu cơ chế phù hợp tăng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án quan trọng, hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Hương Giang