Sáng 27/6, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ với 447/454 đại biểu có mặt tán thành. Luật này có 86 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số điều luật sẽ có hiệu lực thi hành sớm hơn, từ 1/10/2024.

Theo luật được thông qua, tại Điều 50 quy định rõ, Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

Cơ quan quản lý đường bộ tổ chức khai thác tài sản nộp số phí thu được vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Riêng số tiền phí thu được trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng không phải nộp ngân sách Nhà nước, trừ phần doanh thu phải chia sẻ cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Quốc hội giao Chính phủ quy định về điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc; việc thu phí sử dụng đường cao tốc đối với đường cao tốc mà chưa đáp ứng quy định luật này.

Đường bộ cao tốc là một cấp kỹ thuật của đường bộ, chỉ dành cho một số loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông theo quy định của pháp luật, có dải phân cách phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác, chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định, có hàng rào bảo vệ, trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình.

Điều 1, Luật Đường bộ được thông qua quy định cấp kỹ thuật của đường bộ được quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế của đường bộ, bao gồm: đường cao tốc; đường từ cấp I đến cấp VI; đường đô thị; đường cấp A, B, C, D, đường khác.

Trong đó, cấp kỹ thuật của đường đô thị thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành và tiêu chuẩn kỹ thuật do cấp có thẩm quyền công bố.

Các đường còn lại thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành và tiêu chuẩn kỹ thuật do cấp có thẩm quyền công bố.

Đáng chú ý, điều khoản chuyển tiếp của luật quy định với dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày luật này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại luật này được tiếp tục đầu tư theo quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.  

Với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày luật này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng một số quy định của luật này và các tuyến đường cao tốc nêu trên thì lộ trình đầu tư xây dựng đáp ứng quy định của luật này thực hiện theo quy định của Chính phủ.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đường bộ. Ảnh: P.Thắng

Theo yêu cầu của Luật Đường bộ, đường cao tốc được thiết kế theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.

Đường cao tốc được đầu tư, xây dựng phù hợp với quy hoạch và đầu tư, xây dựng đồng bộ các công trình, gồm: Đường gom hoặc đường bên; Trung tâm quản lý, vận hành giao thông tuyến đường cao tốc; Trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe; Hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu tiền sử dụng đường bộ; Công trình kiểm soát tải trọng xe.

Không đồng ý bổ sung “đường tốc độ cao” vào Luật Đường bộ

Trước khi Quốc hội biểu quyết, có ý kiến đề nghị bổ sung “đường tốc độ cao” để bao quát hết tất cả các loại đường và tổ chức giao thông phù hợp.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hệ thống đường bộ của nước ta hiện nay chưa có quy định về đường tốc độ cao. 

“Để xác định bổ sung một loại cấp kỹ thuật đường bộ cần xem xét, đánh giá kỹ và cần xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Mặt khác, đường cấp I đã có thiết kế tối đa tới 120 km/h”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới báo cáo trước Quốc hội.

Ngoài ra, tham khảo quy định của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc không quy định và không có tiêu chuẩn riêng cho đường tốc độ cao. 

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cũng cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô áp dụng đối với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định nhằm hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị. 

Đồng thời, bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.

Tuy nhiên, theo Ủy ban ban Thường vụ Quốc hội, quy định về phí giao thông nội đô không thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đường bộ và cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. 

Vì vậy, cơ quan này đề nghị Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự thảo luật.

Hương Giang