Chiều ngày 19/10, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV khai mạc vào sáng ngày 20/10, bế mạc ngày 17/11 với thời gian làm việc 19 ngày.

Kỳ họp này tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1,  họp trực tuyến (từ ngày 20/10 đến ngày 27/10); đợt 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 02/11 đến ngày 17/11/2020).

Tại buổi họp báo, báo chí đặt vấn đề: Được biết Quốc hội sẽ dành 1 phút mặc niệm đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man (Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4) vừa hi sinh trong cuộc chỉ huy cứu hộ, cứu nạn tại miền Trung vừa qua. Quốc hội cũng tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc (đoàn TP Hồ Chí Minh).

“Cảm xúc của Tổng Thư ký Quốc hội đối với hai sự kiện trái ngược này như thế nào?”, báo chí hỏi.

Trả lời câu hỏi trên, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, bão lụt, thiên tai là vấn đề không mong muốn.

“Đồng bào miền Trung phải gồng mình chống chịu từng cơn bão lũ rất ác liệt vừa qua. Các chiến sỹ của chúng ta cũng ngày đêm cùng với bà con chống đỡ”, ông Phúc nói.

Trong đợt bão lũ đó, không chỉ 13 chiến sỹ đã hi sinh mà còn 22 chiến sỹ khác, sáng nay mới tìm được 14 chiến sỹ và đang tiếp tục tìm kiếm.

“Đây là việc hết sức đau xót. Quốc hội sẽ dành một phút mặc niệm đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man (đoàn Quảng Bình). Quốc hội cũng chia sẻ sự mất mát với đồng bào miền Trung, với gia đình các chiến sỹ đã hy sinh”, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc không trung thực, đã vi phạm trong việc có quốc tịch nước ngoài, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri, nhân dân nên tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bãi nhiệm.

“Không nên so sánh hai hình ảnh này với nhau. Một bên là đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc đã vi phạm, không thể đặt cạnh, so sánh với các chiến sỹ được. Chúng ta cũng công minh việc chúng ta tôn vinh người có công và xử lý nghiêm khắc những đối tượng vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thêm, theo quy định, việc bãi nhiệm phải bỏ phiếu kín nên phải chờ Quốc hội họp tập trung vào đợt 2 thì mới tiến hành các thủ tục.

Quốc hội không hạn chế thông tin báo chí

Báo chí cũng đặt câu hỏi, phiên họp thứ 49 của Thường vụ Quốc hội vừa qua có việc hạn chế phóng viên, báo chí tham dự, chỉ phát hành các thông cáo báo chí sau phiên họp. Đây là biện pháp nhằm chống dịch Covid 19, là chủ trương mới về việc đưa tin tuyên truyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hay thực hiện theo quy định mới nào của pháp luật?

“Không phải hạn chế thông tin báo chí đâu”, Tổng Thư ký khẳng định và cho biết, Quốc hội thực hiện theo Hiến định nên các kỳ họp Quốc hội vẫn mời báo chí, tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp như bình thường.

Theo ông Phúc, phóng viên vẫn được phát thẻ sự kiện, giải lao có thể lên hành lang phỏng vấn các đại biểu Quốc hội. Tại Trung tâm Báo chí, phóng viên được tiếp cận ngay với thông tin gốc từ Phòng Diên Hồng chuyển xuống.

Cũng theo Tổng Thư ký, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội có nhiều nội dung, nhiều tài liệu mật. “Những nội dung nào không mật thì vẫn mời báo chí. Còn mật thì chúng tôi phải họp riêng, sau đó có thông cáo báo chí. Phóng viên không được tiếp cận, trao đổi, nghe các đại biểu phát biểu, đó là chuyện đương nhiên thôi”, ông Phúc thông tin.


Hương Giang