Chiều ngày 24/4, tiếp tục chương trình làm việc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Không bố trí thảo luận tại Tổ

Trình bày báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, kỳ họp 9, Quốc hội dự kiến họp 17,5 ngày, kết hợp hình thức trực tuyến và tập trung.

Đợt 1 họp trực tuyến, tiến hành 8,5 ngày bắt đầu ngày 20/5 (khai mạc kỳ họp) và kết thúc sáng ngày 30/5.

Trong đợt này, Quốc hội nghe đại diện Chính phủ báo cáo nhanh một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội (nếu có), báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8.

Cùng với đó, thảo luận các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; giám sát chuyên đề.

Ông Phúc cho hay, đợt 1 sẽ không bố trí thảo luận ở tổ, đồng thời tăng thời gian thảo luận tại phiên toàn thể đối với một số nội dung và khuyến khích đại biểu tăng cường góp ý kiến bằng văn bản.

Để thảo luận, tranh luận, đại biểu tại 63 điểm cầu đăng ký phát biểu qua đường dây nóng. Còn đại biểu tại Phòng Diên Hồng đăng ký phát biểu như thông lệ.

Việc điều hành và quản lý thời gian thảo luận, tranh luận của đại biểu được thực hiện từ Phòng Diên Hồng và theo quy định hiện hành.

Đợt 2 họp tập trung tại nhà Quốc hội trong thời gian 9 ngày (dự kiến bắt đầu ngày từ 10 -19/6), Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo và quyết định một số vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước; xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế  - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, thảo luận các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và xem xét, quyết định nhân sự khác (nếu có); biểu quyết thông qua luật đã được thảo luận ở đợt 1, nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Tiến hành chất vấn bằng văn bản

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ không tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng sâu tới kinh tế - xã hội, nên dành thời gian để các thành viên Chính phủ tập trung điều hành, xử lý.

"Chất vấn và trả lời trực tiếp có thể lùi lại vào kỳ họp cuối năm", ông Hiển nêu.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Quochoi.vn

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị, nếu kỳ họp không bố trí chất vấn trực tiếp tại hội trường, vẫn phải tiến hành chất vấn bằng văn bản.

"Nhiều vấn đề đại biểu muốn chất vấn các bộ trưởng và có thể gửi câu hỏi bằng văn bản, chứ không phải là không còn chất vấn tại kỳ họp này nữa", bà Nga lưu ý.

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, kỳ họp 9 không chất vấn trực tiếp tại hội trường, nhưng đại biểu Quốc hội vẫn thực hiện quyền chất vấn bằng văn bản.

"Hình thức chất vấn thay đổi là không chất vấn trực tiếp tại hội trường, chứ không phải không chất vấn", bà Ngân nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch sẽ hạn chế tối đa số lượng người ra vào Nhà Quốc hội. Theo đó, sẽ không mời khách mời trong nước và quốc tế dự thính các phiên họp trực tuyến, hạn chế số lượng đại diện các cơ quan liên quan đến nội dung kỳ họp, hạn chế tối đa việc trưng tập nhân lực phục vụ kỳ họp.

Trong đợt 1, việc bố trí chỗ ngồi của đại biểu ở Phòng Diên Hồng theo hướng đại biểu ngồi cách nhau 2 ghế và so le, trong đó có một số vị trí bố trí khoảng cách rộng hơn.

Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan y tế xây dựng phương án cụ thể về phòng, chống dịch trong thời gian họp Quốc hội (ở Nhà Quốc hội và ở các địa phương), nhất là vấn đề phân luồng, khai báo y tế đối với người ra vào và công tác vệ sinh, khử khuẩn…

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì sẽ điều chỉnh các biện pháp phòng dịch cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hương Giang