Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An, đại diện thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Duy Trinh, cùng đông đảo các đại biểu, các nhà khoa học Trung ương và địa phương.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội thảo 

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh tên thật là Nguyễn Đình Biền sinh ngày 15/7/1910, tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá (xã Nghi Thọ cũ, nay là xóm 12, xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Vùng quê giàu truyền thống cách mạng đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần, ý chí cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh sau này. Suốt những năm tham gia cách mạng rồi công tác trên lĩnh vực ngoại giao và là đại biểu Quốc hội, từ trong kháng chiến đến hoà bình lập lại, đồng chí luôn thể hiện tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng.

Với 75 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục cả 3 miền Trung - Nam - Bắc, đồng chí Nguyễn Duy Trinh là chiến sỹ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, một học trò trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã kinh qua nhiều chức vụ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là 26 năm giữ trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị, 15 năm giữ trọng trách Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí đã góp phần không nhỏ vào chiến công chung của toàn dân tộc.

Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều hoạt động ngoại giao sôi nổi nhưng cũng đầy cam go và quyết liệt của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của ông, ngoại giao Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi vẻ vang, mà đỉnh cao là việc ký kết Hiệp định Paris (tháng 1/1973) về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đến nay, kinh nghiệm và bài học mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh để lại trên mặt trận ngoại giao vẫn còn nguyên giá trị đối với quá trình hội nhập quốc tế của chúng ta.

Tại Hội thảo, các tham luận nhấn mạnh đến thân thế, sự nghiệp và những ảnh hưởng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với cách mạng Việt Nam cũng như đóng góp của đồng chí với quê hương Nghệ An. Đặc biệt, trên lĩnh vực ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã góp phần xây dựng một nền ngoại giao Việt Nam hiện đại mà nền tảng là tư tưởng và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Trước đó, vào chiều 14/7, Đoàn Công tác do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đã đến dâng hoa, dâng hương tại Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc.

CTV Xuân Thống