Sáng ngày 6/4, đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số vấn lớn về Dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Vấn đề liên quan đến mặt hàng bình ổn giá, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tiếp tục được các đại biểu quan tâm nêu ý kiến.

Giao doanh nghiệp quản lý là “không hợp lý”

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ quan điểm đồng ý quy định mặt hàng bình ổn giá trong Luật Giá. Theo ông, điều này tạo công khai, minh bạch, tránh lạm dụng mở rộng phạm vi mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước. 

“Thêm, bớt mặt hàng trong danh mục hàng hoá bình ổn giá thì giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để đảm bảo khách quan”, ông Hòa nêu ý kiến.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng tán thành duy trì Quỹ Bình ổn giá trong dự luật, nhưng theo ông, cần hoàn thiện cơ chế quản lý, nhất là nguồn hình thành quỹ, thời gian hoạt động quỹ, giao Chính phủ quyết định để đảm bảo công khai, minh bạch. 

“Quỹ này Nhà nước quản lý, có thể lấy từ nguồn ngân sách, để khi có đột biến thì dùng quỹ này can thiệp thị trường, hạn chế thấp nhất vận động doanh nghiệp, người dân tham gia”, theo ông Hòa.

Đề cập đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đại biểu Hòa thấy, khi thị trường biến động đã sử dụng quỹ này để điều tiết, hạn chế giá xăng dầu tăng quá cao. 

“Nhưng quỹ này hiện giao doanh nghiệp quản lý là không hợp lý”, ông Hoà đề nghị giao Bộ Tài Chính quản lý, bởi Quỹ Bình giá ổn xăng dầu từ tiền đóng góp của người dân, doanh nghiệp lại dùng tiền vào mục đích khác là “không công bằng”.

"Không nên duy trì mãi Quỹ bình ổn giá xăng dầu"

Với tình hình của Việt Nam hiện nay, ông Hòa đồng ý vẫn cần Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nhưng Chính phủ cần có lộ trình về sự tồn tại quỹ này.

“Không nên duy trì mãi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vì không hợp lý, không công bằng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: P.Thắng

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nói, quy định Quỹ Bình ổn giá trong dự luật là cần thiết, nhưng cần nêu rõ hơn cơ chế vận hành, quản lý để công khai, minh bạch và hài hoà lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Ông Hạ ví dụ việc sử dụng, trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vừa qua nhiều bất cập. 

Theo đại biểu, đây là quỹ ngoài ngân sách, được hình thành từ tiền trích trên mỗi lít xăng dầu người dân mua, nhưng doanh nghiệp lập, sử dụng lại theo quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước - Bộ Công Thương, nên trong nhiều trường hợp khiến giá tăng nhanh, giảm chậm so với thế giới. 

Chẳng hạn, khi giá xăng dầu xuống thấp, đáng lẽ giá bán là 10 đồng, thì người dân phải mua 13 đồng do 3 đồng được trích vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Ngược lại, khi giá xăng dầu tăng cao, thì sử dụng 3 đồng từ quỹ này để giảm giá bán lẻ, song thực tế vẫn là lấy tiền của dân. 

“Điều đó dẫn đến doanh nghiệp đang quản lý quỹ không công khai, minh bạch, rõ ràng. Thậm chí doanh nghiệp cũng kêu khổ, lúc giá lên cao quá mà khoản quỹ trích đã hết rồi thì họ cũng than trời. Nhà nước nên can thiệp bằng chính sách và dự trữ xăng dầu”, đại biểu Tạ Văn Hạ góp ý.

Cần rõ ràng về nguồn, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Trước đó, báo cáo tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho hay, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách và cơ quan soạn thảo cho rằng, trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu.

Trường hợp vẫn giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị trong quản lý, điều hành, sử dụng quỹ này, Chính phủ cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả.

“Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện vẫn được để tại các doanh nghiệp, vì vậy Chính phủ cần nghiên cứu để có phương án quản lý phù hợp hơn, bảo đảm rõ ràng về thực trạng nguồn, việc sử dụng quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường”, bà Hà nêu.

Về bình ổn giá nói chung, bà Hà cho hay, để bảo đảm tính cụ thể, minh bạch, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đã phối hợp với cơ quan soạn thảo bổ sung phụ lục quy định những mặt hàng bình ổn giá.

Dự thảo luật cũng quy định rõ: “Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, trên cơ sở đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề cập về là định giá, bởi đây là vấn đề rất quan trọng nhưng vừa qua Bộ Tài chính chỉ phối hợp là chưa được.

Ông ví dụ, giá đất đai, giá kit test hay giá sách giáo khoa vừa qua giao bộ chuyên ngành chủ trì định giá, Bộ Tài chính chỉ phối hợp.

“Bộ Tài chính cần tham gia sâu vào định giá, chịu trách nhiệm phần lớn trong định giá, vì nếu giao hết cho bộ chuyên ngành thì dễ dẫn tới lợi ích nhóm”, ông Hòa nêu quan điểm.

Ông nói thêm, định giá liên quan tới đời sống người dân rất lớn. Giá của ngành tài chính, chứ không thể giá của ngành Giao thông, Ytế hay Giáo dục. “Bộ Tài chính đứng ngoài cuộc thì chưa thoả đáng”, ông nêu quan điểm của mình. 

Hương Giang