Ngày 15/3, tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Giá (sửa đổi).

Giữ Quỹ Bình ổn giá

Trình bày báo cáo một số vấn đề và nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, đến nay còn ý kiến khác nhau về thẩm quyền lập Quỹ Bình ổn giá.

Luật hiện hành quy định, trường hợp cần thiết, lập Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng cần bình ổn giá thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Trên thực tế, hiện chỉ có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động nhằm mục tiêu bình ổn.

Quan điểm của Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành giữ quy định về Quỹ Bình ổn giá trong luật. Điều này, cũng nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động.

Theo ông Cường, để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao hơn, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị quy định: Quốc hội có thẩm quyền thành lập quỹ, trong thời gian giữa 2 kỳ họp. Trường hợp cấp bách, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập quỹ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Ảnh: P.Thắng

Phía cơ quan soạn thảo đề nghị giao Chính phủ quy định việc thành lập để bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện. “Dự thảo Luật thiết kế 2 phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét”, ông Cường nói.

Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu đổi tên Quỹ Bình ổn giá theo hướng rộng hơn là “các biện pháp bình ổn giá”.

Theo ông Vương Đình Huệ, quản lý phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhất là bảo vệ lợi ích của những người yếu thế. Thực tế cũng có những tình huống rất bất ngờ như thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, tình trạng khẩn cấp, khi đó Nhà nước có thể đưa ra quyết định đặc biệt…

“Quỹ là một giải pháp thôi”, Chủ tịch Quốc hội tán thành nên giữ quỹ và đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế quản lý để quỹ công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích.

Có quỹ sẽ “giảm sốc” khi giá xăng dầu biến động

Đề cập đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, tại phiên giải trình về vấn đề xăng dầu do ủy ban tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng quỹ này chưa đảm bảo đúng mục đích.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: P.Thắng

Ông Thanh dẫn chứng, ngày 21/6/2022, giá xăng dầu cao “đỉnh điểm” nhưng quỹ này không có tác động gì vào giảm giá xuống. “Có nên giữ lại hay không là vấn đề hết sức trăn trở”, ông Thanh nói, Thường trực Ủy ban Kinh tế có hai luồng ý kiến về vấn đề này.

Bày tỏ quan điểm cá nhân “nên giữ lại”, ông Thanh cũng đề nghị phải khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại trong điều hành quỹ thời gian qua. “Có lẽ cần phải đánh giá riêng để xử lý các vấn đề Quỹ Bình ổn giá xăng dầu xem công khai, minh bạch ra sao... để đảm bảo hoạt động đúng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, tiếp thu ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị, trong quản lý, điều hành, Chính phủ cần đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, sử dụng quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế, nhất là khi biến động; đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: P.Thắng

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu có nhiệm vụ “giảm sốc” khi giá biến động, đây là công cụ cho cơ quan Nhà nước. “Nếu bỏ quỹ này công cụ tác động giá sẽ ít đi, tính định hướng của Nhà nước sẽ giảm, trong khi đây là mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến mọi người dân”, ông Phớc nói.

Bộ trưởng cho hay, hiện Chính phủ đang nghiên cứu để việc quản lý, vận hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được hiệu quả nhất.

Bộ Tài chính đã đề xuất đưa nội dung này vào Nghị định 95 sửa đổi để quản lý đầy đủ, kịp thời hơn.

Chia sẻ, giải tỏa trách nhiệm của Chính phủ

Thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa thuộc diện bình ổn giá cũng là vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, nhiều đại biểu Quốc hội và cơ quan thẩm tra đề nghị giữ như luật hiện hành. Cụ thể, mặt hàng bình ổn giá được quy định rõ trong luật, trường hợp cần điều chỉnh, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong khi, cơ quan soạn thảo thì đề nghị giao Chính phủ quy định mặt hàng bình ổn giá, vì thực hiện bình ổn giá có tính thời điểm khi giá hàng hóa dịch vụ có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, mục tiêu kiểm soát lạm phát…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thay đổi danh mục hàng hóa thuộc diện bình ổn giá tác động lớn đến quyền của công dân, doanh nghiệp, vì vậy thẩm quyền quyết định vẫn là Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: P.Thắng

Để linh động hơn, ông đề nghị nghiên cứu để quy định “trong thời gian Quốc hội không họp thì ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

“Chính phủ đề nghị là Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, quyết định được ngay, đảm bảo linh hoạt trong điều tiết thị trường. Thực chất đây là chia sẻ, giải tỏa trách nhiệm của Chính phủ thôi, chứ không phải khó khăn gì, Thường vụ Quốc hội không ôm việc này”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đánh giá kỹ có cần thay đổi thẩm quyền quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa bình ổn giá không? Lập Quỹ Bình ổn giá, có thể giao cho Chính phủ quyết định không?

Ủy ban Tài chính Ngân sách được giao phối hợp với cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật xin ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan.

Theo chương trình, Dự thảo Luật được Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại kỳ họp 5 (tháng 5/2023).

Điều 20. Quỹ Bình ổn giá (Dự thảo Luật Giá (sửa đổi))

Phương án 1: Quỹ Bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ quy định về việc lập, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. 

Phương án 2: Quỹ Bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ trình Quốc hội và trong thời gian giữa 2 kỳ họp, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về việc lập, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. 

Bổ sung nhiều quy định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá

Quá trình thảo luận Dự án Luật Giá (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể cơ chế, trách nhiệm giám sát, kiểm tra, quy trình thực hiện thẩm định bảo đảm theo các quy định của pháp luật và các chế tài xử lý vi phạm. Đây là nội dung mới so với quy định hiện hành.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Theo đó, dự luật đã bổ sung mục tiêu, yêu cầu của thanh tra, kiểm tra nhằm “phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá”; bổ sung nguyên tắc công tác thanh tra phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Luật Thanh tra; bổ sung quy định về kết quả thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm xử lý; bổ sung các nguyên tắc về xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá.

“Những quy định trên nhằm xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong trường hợp xảy ra sai phạm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh. 

Hương Giang