“Đạt tốc độ tăng trưởng cao là rất khó khăn”

Tại hội nghị Chính phủ với địa phương sáng ngày 2/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang vật lộn với dịch bệnh, chưa thể có giải pháp hữu hiệu phục hồi nền kinh tế thì việc nước ta đạt tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,81% tuy thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng “đáng ghi nhận”.

“Nước ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, tăng trưởng GDP của quý II chỉ đạt 0,36% là điều đáng quan tâm.

Đề cập đến nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng, chủ yếu là do chúng ta bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, thời gian cho hoạt động kinh tế đóng góp cho tăng trưởng không nhiều.

“Nếu diễn biến dịch bệnh trên thế giới không có tín hiệu tích cực, việc đạt tốc độ tăng trưởng cao trong các quý cuối năm là rất khó khăn”, Tư lệnh ngành Kế hoạch Đầu tư nói và cho rằng, thách thức 6 tháng cuối năm rất lớn.

Thực tế cho thấy, diễn biến dịch Covid -19 còn rất phức tạp, khó lường và Việt Nam chưa thể mở cửa trở lại với các quốc gia. Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sản xuất được vaccine, thuốc điều trị Covid -19.

“Nếu để dịch bùng phát trở lại trong nước thì hậu quả sẽ rất nặng nề, sẽ có nhiều doanh nghiệp bị tổn thương, tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản... ảnh hưởng rất lớn đến thành quả phát triển của đất nước trong những năm gần đây và sẽ mất rất nhiều năm, nhiều chi phí để phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển cho đất nước”, Bộ trưởng phân tích.

“Chống suy thoái kinh tế như chống giặc”

Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, ông Dũng cho rằng, các cấp, các ngành cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế-xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan.

“Cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng trong phòng, chống dịch Covid -19”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm.

Cụ thể, cần kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để tái nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định giá thịt lợn trong nước, hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi lợn.

Cùng với đó, chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Tập trung xử lý hàng công nghiệp tồn kho.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, cần đẩy mạnh kích cầu và củng cố nền tảng thị trường nội địa; tìm kiếm thị trường mới đối với các mặt hàng đang bị hủy hoặc giãn tiến độ giao hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong đó tập trung tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới.

“Cần theo dõi và kịp thời dự báo diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để linh hoạt điều hành lãi suất với các công cụ chính sách tiền tệ khác, đảm bảo cung ứng thanh khoản đầy đủ, kịp thời đáp ứng các nhu cầu vốn của nền kinh tế với mức lãi suất hợp lý”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, phải tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý, bảo đảm khôi phục sản xuất, việc làm cho người lao động...

Kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu đang suy thoái nghiêm trọng. IMF dự báo tăng trưởng thế giới âm (-) 4,9% (thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó), WB dự báo âm (-) 5,2% là mức giảm lớn nhất từ cuộc đại suy thoái những năm 1930.

Tổ chức OECD dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm (-) 6% và dự báo trường hợp dịch Covid-19 bùng phát lần 2 thì tăng trưởng hạ xuống còn âm (-) 7,6%.

Dù vậy, các tổ chức vẫn đánh giá tích cực tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong đó IMF dự báo tăng 2,7%, WB dự báo tăng 2,8% và ADB dự báo tăng 4,1%. 

Hương Giang