"Phục hồi phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết"

Hội nghị hôm nay không chỉ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng qua, mà còn bàn những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế, tận dụng tốt cơ hội khống chế và kiểm soát dịch Covid -19.

Theo Thủ tướng, do tác động của đại dịch Covid -19, kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng. Dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay, trong khi khủng hoảng tài chính 2007-2008 chỉ giảm 1,73%. Riêng bình quân toàn khu vực Châu Á âm 1,5%...

"150 năm qua, chưa bao giờ có sự khủng hoảng y tế dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu lớn như thế", lãnh đạo Chính phủ nói.

Ở trong nước, Việt Nam đã có đối sách đúng, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, đặc biệt là được sự ủng hộ, quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân nên đã sớm ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề quan trọng để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh.

Tuy vậy, đại dịch Covid -19 tác động rất mạnh đến nền kinh tế nước ta, nhất là trong quý II. 

Thủ tướng cho hay, GDP quý II chỉ tăng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua, tính chung 6 tháng tăng 1,81%, tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 99,3%. Tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn…

Song nhìn về tổng thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế; đời sống nhân dân được bảo đảm, đặc biệt thị trường chứng khoán khởi sắc.

Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi….

"Trong khi cả thế giới suy thoái nặng nề, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng và trên đà  phục hồi, có những điểm sáng", Thủ tướng khái quát.

Nhưng ông lưu ý, nước ta là nước hội nhập sâu rộng, xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP nên phải tính toán bước đi, bước làm trong bối cảnh dịch bệnh.

“Trong bối cảnh hiện nay nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tinh thần trong chỉ đạo là kiên quyết không để Covid - 19 quay lại nước ta, đồng thời phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng”, Thủ tướng nêu rõ.

Giải ngân vốn đầu tư công: Phải nóng ruột lên

Từ đó, Thủ tướng gợi mở 7 vấn đề tập trung thảo luận. Trong đó, kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy cần nhận diện, xác định rõ rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành hiệu quả, kịp thời.

"Tăng trưởng của Việt Nam ví như cỗ xe tam mã, gồm ba cấu phần quan trọng nhất là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Hội nghị này phải dùng mọi biện pháp để ba con ngựa kéo đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất", Thủ tướng nhấn mạnh.

Để kích tăng trưởng cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các chính sách tài khoá, tiền tệ. 

Thủ tướng nêu, vấn đề đặt ra là cần giải pháp, chính sách cụ thể gì, mức độ thế nào cho phù hợp.

“Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các bộ trưởng phải chỉ đạo tốt hơn, nhất là các địa phương cần hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp.

 Các tập đoàn lớn của Nhà nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã… đều cần môi trường tốt để phát triển thông qua chính sách động viên của chính quyền và chính sách tài khoá, tiền tệ khác của Nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

leftcenterrightdel
 Theo Thủ tướng, để kích tăng trưởng cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các chính sách tài khoá, tiền tệ. Ảnh: Quang Hiếu

Vấn đề nữa là giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Theo Thủ tướng, giải ngân mới đạt 33%, giải ngân vốn ODA rất thấp mới 10%. Trong khi, nếu giải ngân tốt thì đây là biện pháp kích cầu hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021.

“Phải nóng ruột lên. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kiểm tra giải ngân ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thấp lắm các đồng chí", Thủ tướng nói. 

Nhắc đến báo chí thông tin “giải ngân không được bởi vì giải phóng mặt bằng”, người đứng đầu Chính phủ hỏi, bí thư, chủ tịch tỉnh phải xắn tay áo lên để giải phóng mặt bằng không? 

"Khi các đồng chí đề nghị dự án thì rất quyết liệt nhưng gặp giải phóng mặt bằng thì giao cấp dưới, không quan tâm. Tại sao nhiều địa phương giải ngân tốt, nhưng rất nhiều địa phương lại giải ngân rất chậm. Lần này phải có chế tài mạnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Quyền anh, quyền tôi thì không bao giờ tạo được động lực phát triển”

Cũng theo Thủ tướng, càng khó khăn càng cần tập trung rà soát các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. 

Ông đề nghị, các bộ, ngành, địa phương đề xuất kiến nghị cụ thể, trong đó nêu rõ cần sửa đổi quy định pháp luật nào, cắt giảm thủ tục hành chính nào, cần cơ chế khuyến khích nào mới để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong điều kiện hiện nay.

"Cứ quyền anh, quyền tôi, cứ gây khó khăn, khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân thì không bao giờ tạo được động lực phát triển", Thủ tướng lưu ý.

Ngoài ra, cần phải bàn giải pháp để thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, vốn FDI, phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương. 

"Nhiều nguồn vốn FDI sẽ không vào Việt Nam mà sang Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… nếu không có tạo điều kiện cơ sở hạ tầng và những điều kiện thu hút khác. Cho nên, cần tập trung bàn giải pháp cải cách vượt trội để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư kể cả trong nước và quốc tế vào Việt Nam.

Địa phương, bộ, ngành cần kiến nghị giải pháp cụ thể hơn nữa để phát huy hơn nữa vai trò động lực các địa phương, nhất là các đầu tàu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm".

Tại hội nghị, Chính phủ và các địa phương sẽ thảo luận các kịch bản, các giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” trong nửa chặng đường còn lại của năm 2020, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, không để đổ gãy nền kinh tế.

Trong tháng 6, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, được quốc tế đánh giá cao.

“Việt Nam một lần nữa nêu rõ chủ quyền và Công ước Luật Biển 1982. Tôi đã nêu 3 lần xung quanh việc thực hiện Công ước Luật Biển và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải của nước ta, của Biển Đông chúng ta. Phiên khai mạc, phiên toàn thể, họp báo quốc tế, tôi đã nêu rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước chúng ta trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta”, Thủ tướng Chính phủ cho hay.

Hương Giang