Chiều nay (26/10), Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra và thảo luận Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.

Trình bày tờ trình Dự thảo Nghị quyết, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Chính phủ đề nghị tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh không qua “thí điểm”.

Lý giải lý do, Bộ trưởng Tân cho biết, TP Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Kết thúc giai đoạn thí điểm, TP Hồ Chí Minh đã tổng kết việc thực hiện thí điểm và rút ra các bài học kinh nghiệm.

“Đây là một trong các cơ sở để Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh mà không thực hiện thí điểm”, ông Tân nhấn mạnh.

Không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ

Theo Dự thảo, Nghị quyết có 12 điều với một số điểm chính quy định tổ chức chính quyền địa phương cấp TP gồm UBND và HĐND. Ở cấp quận và cấp phường chỉ có UBND.

Dự thảo Nghị quyết quy định điều chuyển các nhiệm vụ của HĐND quận, phường cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP, UBND quận, phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.

Riêng đối với nhiệm vụ về quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công, Dự thảo Nghị quyết quy định giao cho Chủ tịch UBND quận (không chuyển giao nhiệm vụ này cho UBND TP Hồ Chí Minh) để đảm bảo quy định về thời gian và tiến độ thực hiện của các dự án.

Dự thảo cũng quy định, UBND quận là cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Bên cạnh đó, bổ sung nhiệm vụ của UBND quận phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của UBND phường trực thuộc để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Còn UBND phường là cơ quan hành chính Nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; cán bộ, công chức làm việc ở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và UBND phường tại TP Hồ Chí Minh thuộc biên chế cán bộ, công chức của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và UBND cấp trên.

“Để đảm bảo tính liên tục và không tạo khoảng trống trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của chính quyền địa phương ở quận và phường tại TP Hồ Chí Minh, Dự thảo Nghị quyết đã quy định một số nội dung chuyển tiếp”, Bộ trưởng Tân cho biết.

Theo đó, Chính phủ đề xuất, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và tổ chức thực hiện từ ngày 01/7/2021.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp này.

Chính sách đặc thù hiệu quả cần quy định ngay

Cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Pháp luật cho rằng, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của TP.

“Dù Nghị quyết của Quốc hội cho phép TP thực hiện chính thức hay thí điểm thì đều là cơ sở pháp lý cần thiết để TP có thể triển khai ngay mô hình chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ sắp tới”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: TN 

Theo Uỷ ban Pháp luật, Dự thảo Nghị quyết chưa đề ra được những giải pháp đổi mới thiết thực liên quan đến tổ chức cũng như phương thức hoạt động của HĐND TP trong bối cảnh không tổ chức HĐND ở tất cả các quận, phường trực thuộc.

“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND TP để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng đại diện của người dân và việc kiểm soát quyền lực đối với chính quyền ở quận, phường”, ông Tùng nêu.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, nếu các chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh thực sự có hiệu quả thì cần quy định ngay trong nghị quyết này để thực hiện ổn định, lâu dài, bảo đảm tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Cùng với đó, xem xét lại quy định về thẩm quyền quyết định về ngân sách Nhà nước của HĐND TP để bảo đảm tính chính xác…

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cho rằng, hiện nay Chính phủ đã đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án Thành lập TP Thủ Đức là TP thuộc TP Hồ Chí Minh với mục tiêu tạo bước đột phá, làm hạt nhân, cực tăng trưởng mới thúc đẩy phát triển kinh tế TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; HĐND TP Hồ Chí Minh đã biểu quyết thông qua chủ trương này.

Vì vậy, việc Dự thảo Nghị quyết quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền TP thuộc TP Hồ Chí Minh là phù hợp nhưng vẫn chưa có sự khác biệt so với các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay, chưa có sự đổi mới để nâng cao hơn nữa vị thế, thẩm quyền của chính quyền TP trực thuộc.

“Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn cho chính quyền TP trực thuộc so với chính quyền ở các quận để có thể đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đã đặt ra”, ông Hoàng Thanh Tùng báo cáo trước Quốc hội.

Hương Giang