Sáng 24/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2023.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Tham dự hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến có lãnh đạo UBND 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

3 chỉ tiêu Quốc hội giao đã “đạt và vượt”

Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịch bệnh COVID -19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; cả nước chuyển sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. 

Cùng với dịch COVID-19, sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... 

Hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước, đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn "hậu COVID-19", ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ Y tế khẳng định, dù gặp nhiều khó khăn, hạn chế, biến cố trong năm 2022, nhưng ngành Y tế đã “đạt và vượt” cả 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao và 13/16 chỉ tiêu cụ thể về y tế.

Chỉ tiêu số bác sĩ trên 10 nghìn dân là 11,5 bác sĩ (vượt chỉ tiêu được giao 9,4 bác sĩ/10 nghìn dân. Số giường bệnh trên 10 nghìn dân là 31 giường bệnh (vượt chỉ tiêu được giao 29,5 giường bệnh/10 nghìn dân). Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế là 92,03% dân số (đạt chỉ tiêu được giao 92% dân số).

Cơ bản đáp ứng nguồn cung thuốc nhưng…

Đề cập đến việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, theo Bộ Y tế, “cơ bản đã đáp ứng nguồn cung thuốc cho nhu cầu dự phòng, khám chữa bệnh của nhân dân”. Giá trị nhập khẩu thuốc 2,9 tỷ USD; giá trị nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc 390 triệu USD; giá trị xuất khẩu thuốc khoảng 250 triệu USD.

Giá thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh được kiểm soát chặt chẽ và không có hiện tượng đầu cơ tích trữ, găm hàng đẩy giá lên cao. 

Chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2022 nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,4% so với năm 2021, ở mức thấp hơn so với CPI chung 3,15%. 

“Giá thuốc biệt dược gốc xuất xưởng thuộc vào hàng thấp nhất ASEAN ở hầu hết các lĩnh vực điều trị chính”, Bộ Y tế nêu.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2023. Ảnh: N.Bắc

Bộ Y tế đã cấp 21.762 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và 22 số lưu hành trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách, 856 số lưu hành đối với trang thiết bị y tế loại C, D. 

Trên 174.000 thông tin kê khai giá trang thiết bị y tế được công khai trên cổng điện tử của Bộ Y tế.

Thuốc, vật tư y tế thiếu cục bộ tại nhiều cơ sở y tế

Bộ Y tế thừa nhận, công tác hậu kiểm giá thuốc kê khai còn hạn chế do bất cập về các tiêu chí rà soát hậu kiểm quy định tại Nghị định số 54, Nghị định 155, đang được đề xuất sửa đổi. 

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc; vaccine cho tiêm chủng mở rộng chậm được cung cấp, giá vaccine chưa được điều chỉnh trong nhiều năm; số lượng hồ sơ đăng ký thuốc lũy kế qua nhiều năm còn lớn, chưa được giải quyết dứt điểm.

Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực ỵ tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, tại các cơ sở y tế khu vực công lập do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với thời gian đào tạo và đặc thù nghề nghiệp.

Báo cáo cho thấy, luỹ kế từ 01/01/2021 đến 30/6/2022, tại các tỉnh, TP và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập, gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác. 

Nhân lực trình độ bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc có ở tất cả các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội, ngoại, sản, nhi và cận lâm sàng.

Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế

Nhận định bên cạnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, khó dự đoán là các thách thức do gánh nặng bệnh tật “kép” với sự gia tăng tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm; nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, đa dạng… Bộ Y tế đề ra nhiều giải pháp trong năm 2023. 

Trong đó, bộ sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong mua sắm đấu thầu, xã hội hóa, cơ chế tự chủ, quản lý đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế, học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe. Đề cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhất là của người đứng đầu, người có thẩm quyền trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành y tế. 

Bộ Y tế khẳng định sẽ giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Tăng cường quản lý giá thuốc, đảm bảo thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc, vaccine.

Đồng thời, xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế; giải quyết triệt để các hồ sơ tồn đọng. 

Hương Giang