Ngày 9/1, với 94,35% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.

Theo nghị quyết này, Quốc hội cho phép giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 được cơ sở đăng ký nộp hồ sơ gia hạn và giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được kéo dài thời hạn thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 mà chưa được gia hạn kịp thời theo quy định của Luật Dược được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Quy định này loại trừ các trường hợp: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi theo quy định của pháp luật về dược; Thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng mà bị tạm ngừng kinh doanh, sử dụng và niêm phong bảo quản theo quy định của pháp luật về dược; thuốc có giấy đăng ký lưu hành có thời hạn là 3 năm theo quy định của pháp luật về dược.

Một số chính sách phòng chống dịch COVID-19 cũng được tiếp tục thực hiện từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Quốc hội quyết nghị, các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kinh phí thực hiện các khoản chi phí, chế độ, chính sách này được chuyển nguồn sang năm 2023 để thanh toán và hạch toán, quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2023.

Cạnh đó việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 268 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 12 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Theo đánh giá của Quốc hội, các chính sách, biện pháp, giải pháp được ban hành trên cơ sở Nghị quyết số 30 cơ bản đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đầy đủ với các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù, góp phần kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách, giải pháp, biện pháp theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 và các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lúc, có nơi còn chậm, chưa đồng bộ, chưa sát thực tiễn.

Việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn chậm dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc; thanh toán, quyết toán chi phí liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 còn chưa đáp ứng yêu cầu…

Quốc hội giao Chính phủ rà soát và xử lý việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; việc sử dụng số thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ ngân sách Nhà nước cho khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 chuyển sang khám bệnh, chữa bệnh thông thường.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nguồn lực, khả năng dự báo, thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế trong nước để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với các biến chủng mới, các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hương Giang