Chiều ngày 10/11, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an “chia lửa” cùng Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc xử lý các vụ án, vụ việc trong đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế.

Vi phạm trong đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế rất phức tạp

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là các vụ việc xảy ra ở các bệnh viện lớn đã được lực lượng công an phát hiện, khởi tố, điều tra.

Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “phát hiện 1 vụ cảnh tỉnh 1 vùng”.

Trong đó, công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nắm tình hình, nhận định vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm từ đó, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe trong cả lĩnh vực.

Đại tướng Tô Lâm nêu điển hình một số vụ tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế Hà Tĩnh, Cần Thơ, Sơn La...

“Qua đấu tranh hiện nay, các đối tượng đều đã thừa nhận hành vi phạm tội. Bộ Công an sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, sớm kết luận để đưa ra truy tố các bị can trước pháp luật”, Bộ trưởng Công an nêu rõ.

Qua các vụ việc này cũng có dư luận cho rằng, các vi phạm đều do lỗi cơ chế, hệ thống. Nhưng người đứng đầu ngành Công an khẳng định, không phải do các lỗi này mà đều lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để vi phạm.

Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra, xử lý các vi phạm

Theo ông, những vi phạm về hình sự rất đáng phải xử lý. “Trước khi xử lý về hình sự thì với cơ quan điều tra, chúng tôi đều có yêu cầu phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng cá nhân trong các vụ việc đó. Thứ hai là, phải chứng minh được yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng, trục lợi thì mới xử lý các đối tượng này”, Đại tướng nói.

Ông ví dụ mua máy cùng thông đồng với nhà thầu để đẩy giá lên, có ăn chia nhau, có lấy trích phần trăm trong việc đó. “Đấy là yếu tố tư lợi, biểu hiện của tham ô, tham nhũng”, Đại tướng Tô Lâm nhấn nói thêm.

Qua những vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, TP tiếp tục tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình tham mưu, quy trình đầu tư cơ sở vật chất, công tác mua sắm trang thiết bị để kịp thời ngăn chặn, phát hiện các vi phạm.

Các bộ, ngành chức năng nghiên cứu đưa một số mặt hàng, trang thiết bị y tế vào nhóm mặt hàng bình ổn, quản lý giá, không để các doanh nghiệp câu kết, thông đồng với các cơ quan, đơn vị nâng giá, trục lợi.

“Về phía Bộ Công an, chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra, xử lý các vi phạm này”, ông cho biết.

Đại tướng cũng thông tin, tình hình buôn lậu, buôn bán trái phép vật tư y tế, vật tư xét nghiệm, thuốc hỗ trợ điều trị COVID -19 không rõ nguồn gốc cũng diễn biến phức tạp trong cả nước.

Các đối tượng đều sử dụng nhiều hình thức tinh vi để nhập lậu như sử dụng mạng xã hội để làm nơi buôn bán, tìm các nơi đang xây dựng, địa hình khó đi lại để làm nơi cất giấu hàng hóa.

Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị địa phương tập trung lực lượng, phương tiện để triển khai các biện pháp để đấu tranh phòng ngừa, xử lý nghiêm vi phạm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề về tiêu cực trong ngành Y tế thời gian qua, với một số cán bộ vi phạm về đấu thầu. Theo ông, bác sĩ chuyên môn giỏi nhưng quản trị chưa tốt. “Vậy đã đến lúc tách bạch quản lý với chuyên môn chưa? Bộ trưởng có suy nghĩ gì?”, ông chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời, thời gian qua Bộ Y tế đã có nhiều thay đổi về quản lý cũng như bổ nhiệm lãnh đạo bệnh viện.

“Với các bệnh viện, chúng tôi đều đề nghị có một lãnh đạo quản lý về kinh tế, có thể là tài chính, kế toán. Thời gian qua một số đơn vị đã triển khai vấn đề này. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu để việc quản lý ngành được minh bạch hơn, nhất là quản lý tài chính với các cơ sở y tế công lập", ông Long trả lời.

Hương Giang