Sáng ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp được trực tuyến tới 63 tỉnh, TP, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã phường thị trấn.

3 chỉ số bắt buộc, 4 cấp độ dịch

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Hướng dẫn tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia dự kiến sắp được ban hành.

“Đây là văn bản quan trọng điều chỉnh toàn bộ chiến lược, phương thức để ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo ông Long, trong hướng dẫn có 3 chỉ số bắt buộc gồm: Thứ nhất, ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Thứ hai, 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng. Thứ 3, các tỉnh, TP có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/TP.

Các chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100 nghìn dân/tuần; tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19. Quy mô đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng tại cấp xã, phường và có thể ở quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm hoặc nhỏ hơn.

Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm 4 cấp: Cấp 1 (nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh); cấp 2 (nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng); cấp 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam); cấp 4 (nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ). 

Theo đó, nếu không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine, phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc). 

“Nhiều tỉnh, TP không có ca mắc nhưng cũng phải áp dụng đánh giá cấp độ dịch này”, ông Long nêu. Theo Bộ trưởng, “với các xã/phường, nếu không có ca mắc vẫn áp dụng các hoạt động kinh tế-xã hội bình thường. Còn nếu không đạt được chỉ số thứ hai, thứ ba, không được giảm cấp độ dịch hiện tại”.

Tăng giảm cấp độ dịch không được đột ngột

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hàng tuần và trong 2 tuần liên tiếp phải đánh giá cấp độ dịch để quyết định chuyển cấp độ dịch và thời gian chuyển tiếp giữa các cấp độ dịch trong vòng 72 giờ. 

Nhấn mạnh việc tăng giảm các cấp độ dịch không được đột ngột, thực hiện trong thời gian 72 giờ, theo ông Long, việc lựa chọn một số biện pháp không cao hơn hoặc thấp hơn một cấp so với cấp độ dịch đang thực hiện để nới lỏng hoặc tăng cường do ban chỉ đạo cấp trên một cấp quyết định.

Tương ứng với cấp độ dịch là các biện pháp thích ứng an toàn. Trong đó, với người dân các biện pháp gồm: Tuân thủ 5K; tham gia hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà; đi lại; học tập; đến trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn; tham gia các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đám tang, đám cưới, thể dục, thể thao, tham quan du lịch, các sự kiện văn hóa nghệ thuật, phát động; các dịch vụ không thiết yếu; đi lại của người dân giữa các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau; tự lấy mẫu xét nghiệm; điều trị tại nhà.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Nhật Bắc

Đáng chú ý, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được phép hoạt động ở cả 4 cấp độ nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Người vận chuyển hàng bằng xe máy sử dụng công nghệ có đăng ký được hoạt động với 2 điều kiện (tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc được xét nghiệm định kỳ). 

Cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, khu chế xuất xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động ít nhất 7 ngày/lần (thay vì 3 ngày/lần như trước đây) đối với ít nhất 20% người lao động có nguy cơ cao. “Các doanh nghiệp tự xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm kết quả này”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. 

Một điểm đáng lưu ý nữa, người đến/về từ địa phương có mức độ dịch ở cấp 3, cấp 2, cấp 1 được đi lại bình thường. “Không được phép đến/về từ địa phương có mức độ dịch ở cấp 4, trừ lý do đặc biệt và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định”, Bộ trưởng cho hay.

Tiếp tục nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế

Từ điểm cầu Hà Nội, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong bày tỏ quan điểm đồng tình với Dự thảo Hướng dẫn và đề nghị sớm ban hành để đưa vào triển khai.

Theo ông Phong, Hà Nội đang bàn kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước tiếp tục nới lỏng căn cứ trên thực tiễn của TP, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả đối với dịch COVID -19.

Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong nêu 2 kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. 

Đầu tiên, tuy đã kiểm soát cơ bản tình hình dịch bệnh nhưng Hà Nội xác định nguy cơ vẫn cao, vẫn còn F0 cộng đồng, người về từ vùng dịch có ca nhiễm, tâm lý lơ là chủ quan, sớm tự mãn với kết quả bước đầu đạt được trong phòng chống dịch. Việc người dân đổ ra đường tối trung thu là bài học rất sâu sắc và TP đã rút kinh nghiệm. 

Hà Nội đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông cân nhắc việc triển khai chuyến bay thương mại và vận tải hành khách đường sắt đến Hà Nội.

Kiến nghị nữa là, theo thời gian cuối tháng 10 sẽ tiêm trả mũi 2, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành quan tâm bố trí vắc xin để đảm bảo đủ tiêm trả mũi 2 cho người dân.

Ông Phong khẳng định, việc xét nghiệm diện rộng, tầm soát y tế toàn dân và tiêm chủng thần tốc đã đem lại hiệu quả rất cao. 

Theo ông, dây chuyền tiêm của Hà Nội có thể đáp ứng được 300 nghìn mũi/ngày. Với sự hỗ trợ của các tỉnh, thành, cơ quan Trung ương thì có ngày Hà Nội triển khai tiêm được trên 600 nghìn mũi. Vào lúc cao điểm nhất, trong khoảng thời gian chỉ 7 ngày đã tiêm được trên 3,5 triệu mũi, có điểm tiêm hoạt động đến 2h sáng để đảm bảo tiêm hết cho người dân đã mời.

Hương Giang